Động mạch giữ vai trò quan trọng đối với hoạt động chung của toàn cơ thể, chúng chịu trách nhiệm vận chuyển máu tới nuôi tim và một số cơ quan khác. Theo thời gian, một số chất như canxi, chất béo hoặc cholesterol tồn tại trong máu và tạo thành mảng xơ vữa. Đây chính là nguyên nhân khiến động mạch trở nên hẹp hơn so với bình thường, quá trình lưu thông của máu chịu ảnh hưởng ít nhiều
1. XƠ VỮA ĐỘNG MẠCH LÀ GÌ?
Xơ vữa động mạch (xơ vữa mạch máu) là quá trình thoái hóa của động mạch, hình thành các mảng xơ vữa trong thành động mạch, gây hẹp dần lòng ống động mạch. Quá trình diễn tiến từ từ, lúc đầu hẹp 1%, 2%, 10%. Càng lớn tuổi, động mạch càng hẹp nhiều hơn 50%, 70%… đến khi tắc hẳn hoàn toàn 100%. Động mạch tắc hoàn toàn sẽ gây hoại tử cơ quan, nội tạng hay còn gọi là nhồi máu. Ví dụ tắc ở động mạch não gọi là nhồi máu não, tắc ở tim gọi là nhồi máu cơ tim, tắc ở động mạch thận sẽ gây nhồi máu thận…
Hậu quả cuối cùng sẽ dẫn đến suy cơ quan như: suy não, suy tim, suy thận… Đây là quá trình thoái triển tự nhiên của động mạch, ai cũng sẽ phải trải qua. Nguyên nhân là do chất béo xấu (cholesterol LDL) và các chất khác (gọi chung là mảng bám) tích tụ trong thành động mạch.
Bệnh xơ vữa động mạch nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn tới nhiều di chứng nặng nề cho bệnh nhân, thậm chí nhiều người đã tử vong do không phát hiện kịp thời. Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh xơ vữa động mạch có xu hướng gia tăng nhanh chóng, chính vì thế việc nắm hiểu biết về xơ vữa động mạch là vô cùng quan trọng.
Các loại xơ vữa động mạch phổ biến:
- Xơ vữa mạch vành.
- Xơ vữa động mạch não.
- Xơ vữa động mạch cảnh.
- Xơ vữa động mạch ngoại biên.
- Xơ vữa động mạch chủ bụng
- Xơ vữa đông mạch tim
2.NGUYÊN NHÂN
Những nguyên nhân phổ biến gây xơ cứng động mạch:
Cholesterol cao. Cholesterol là một chất sáp, màu vàng được tìm thấy trong cơ thể và trong các loại thực phẩm. Chất này có thể tăng trong máu và làm tắc nghẽn các động mạch, trở thành một mảng xơ cứng làm hạn chế hoặc làm tắc nghẽn khiến cho máu không thể lưu thông đến tim và các cơ quan khác.
Chất béo. Ăn nhiều thực phẩm có chất béo cũng có thể dẫn đến hình thành mảng xơ vữa.
Lớn tuổi. Khi bạn có tuổi, tim và mạch máu làm việc nhiều hơn để bơm và nhận máu. Động mạch có thể bị suy yếu và trở nên kém đàn hồi, từ đó dễ hình thành mảng xơ vữa.
Một số nguyên nhân phổ biến khác là:
- Hút thuốc lá
- Kháng insulin, béo phì hay tiểu đường
- Tình trạng viêm như viêm khớp, lupus, nhiễm trùng hoặc viêm không rõ nguyên nhân.
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Triệu chứng xơ vữa động mạch vành
Thông thường, bệnh nhân xơ vữa động mạch vành gặp phải triệu chứng đau thắt ngực, cơn đau khá nghiêm trọng và diễn ra trong vòng vài phút, sau đó chúng sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần. Trong trường hợp đau thắt ngực kéo dài, bạn có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cấp và cần đi điều trị càng sớm càng tốt. Tình trạng đau ngực xảy ra khi bệnh nhân làm việc quá sức hoặc rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi.
Triệu chứng xơ vữa động mạch chi dưới
Các triệu chứng xơ vữa động mạch chi dưới phổ biến là teo cơ, vùng da chi dưới khô hơn so với các khu vực khác. Hiện tượng này xảy ra là do động mạch tắc nghẽn và máu không thể lưu thông tại khu vực này.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cảm thấy đau mỏi chi dưới liên tục, ngay cả khi vận động nhẹ nhàng thì bạn cũng khó chịu, đau nhức. Lúc này, chúng ta thường phải nghỉ ngơi ít phút để cơn đau giảm bớt, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Nếu phát hiện ra dấu hiệu kể trên, chúng ta nên chủ động đi kiểm tra để xác định chính xác vấn đề sức khỏe mình đang gặp phải, tránh điều trị sai phương pháp.
Triệu chứng xơ vữa động mạch cảnh
Xơ vữa động mạch cảnh cũng là vấn đề khá phổ biến hiện nay và ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn não. Khi mắc bệnh, các triệu chứng thường gặp có thể kể đến như: trí nhớ và ý thức giảm đáng kể, có nguy cơ liệt nửa người… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, di chứng nguy cơ có thể gặp phải là đột quỵ não.
Một điều đáng lo là bệnh nhân có triệu chứng xơ vữa động mạch cảnh thường không phát hiện sớm bệnh. Chỉ tới khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, cơn tai biến diễn ra thì chúng ta mới nắm được tình hình sức khỏe. Lúc này, việc điều trị gặp mất nhiều thời gian hơn và không đảm bảo khả năng phục hồi cao.
Như vậy, mọi người nên để ý các dấu hiệu bất thường để xác định xem vị trí xơ vạch động mạch và điều trị theo phác đồ thích hợp nhất.
4.BIẾN CHỨNG
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và động mạch nào bị tắc nghẽn sẽ gây ra các biến chứng như:
Bệnh mạch vành: Nếu mảng xơ vữa làm hẹp các động mạch gần tim, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành với biểu hiện là những cơn đau thắt ngực, đau tim, thậm chí suy tim.
Bệnh động mạch cảnh: Bệnh lý này xảy ra khi các động mạch gần não bị thu hẹp do xơ vữa động mạch. Bệnh động mạch cảnh là căn nguyên của cơn đột quỵ hoặc TIA – cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.
Bệnh động mạch ngoại biên: Các mạch máu ở tay hoặc chân bị ảnh hưởng bởi chứng xơ vữa động mạch sẽ dẫn đến các vấn đề về tuần hoàn, gọi là bệnh động mạch ngoại biên. Hậu quả của tình trạng này là người bệnh gặp phải những cơn đau cách quãng khi vận động, tăng nguy cơ bỏng hoặc tê cóng, trường hợp nghiêm trọng còn bị hoại tử chi.
Bệnh thận mạn tính: Nếu chứng xơ vữa động mạch làm chậm quá trình lưu thông máu đến thận, chức năng thận sẽ bị ảnh hưởng, khiến chất thải không được đào thải hết ra ngoài cơ thể, lâu ngày dẫn tới bệnh thận mạn tính.
Phình động mạch: Đây là một biến chứng rất nghiêm trọng của xơ vữa động mạch, có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong cơ thể. Phình động mạch là tình trạng thành động mạch bị phình ra. Bệnh nguy hiểm ở chỗ ít khi biểu hiện triệu chứng. Khi túi phình bị vỡ đột ngột sẽ gây xuất huyết bên trong, đe dọa tính mạng.
Mù lòa: Động mạch võng mạc trung tâm bị tắc nghẽn do xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây đột quỵ mắt, khiến người bệnh bị mù đột ngột ở một hoặc cả hai mắt.
5. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Bệnh xơ vữa động mạch là một vấn đề khá phổ biến liên quan đến lão hóa. Khi bạn có tuổi, nguy cơ xơ vữa động mạch tăng lên. Yếu tố di truyền hoặc lối sống gây ra mảng xơ vữa tích tụ trong động mạch. Khi bạn đến tuổi trung niên hoặc tuổi già, mảng xơ vữa lúc này đã đủ lớn sẽ gây ra những dấu hiệu hoặc triệu chứng. Ở nam giới, nguy cơ mắc bệnh gia tăng sau tuổi 45. Ở nữ giới, nguy cơ cao mắc bệnh tăng lên sau tuổi 55.
6. PHÒNG NGỪA
Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Có chế độ ăn uống lành mạnh ít chất béo bão hòa và cholesterol
- Tránh thực phẩm giàu chất béo
- Thêm cá vào chế độ ăn uống hai lần mỗi tuần
- Tập thể dục trong vòng 30-60 phút mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần
- Bỏ thuốc lá nếu bạn có thói quen hút thuốc
- Giảm cân nếu bạn đang thừa cân hoặc béo phì
- Kiểm soát căng thẳng
- Điều trị các bệnh liên quan đến xơ vữa động mạch, chẳng hạn như cao huyết áp, cholesterol cao và tiểu đường.
7. CHẨN ĐOÁN
Trong khi khám, bác sĩ có thể tìm thấy các dấu hiệu của động mạch bị hẹp, nở rộng hoặc cứng, bao gồm:
- Mạch yếu hoặc mất mạch ở bên dưới khu vực của động mạch bị hẹp;
- Giảm huyết áp ở bên chi bị tổn thương;
- Phát hiện âm thổi ở động mạch bằng ống nghe.
Tùy thuộc vào kết quả kiểm tra, bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều xét nghiệm chẩn đoán, bao gồm:
Các xét nghiệm máu. Xét nghiệm có thể phát hiện tình trạng tăng nồng độ cholesterol và đường trong máu, tình trạng này làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Bạn được yêu cầu nhịn ăn uống (trừ nước lọc) từ 9-12 giờ trước khi xét nghiệm máu;
Siêu âm Doppler. Bác sĩ sử dụng máy siêu âm Doppler để đo huyết áp tại các điểm khác nhau dọc theo cánh tay hoặc chân.
Chỉ số cánh tay-mắt cá chân. Thử nghiệm này có thể cho biết liệu bạn có xơ vữa động mạch ở chân và bàn chân hay không. Bác sĩ có thể so sánh huyết áp ở mắt cá chân với huyết áp ở cánh tay của bạn.
Điện tâm đồ. Điện tâm đồ có thể cho thấy bằng chứng của một cơn đau tim trước đó. Nếu các dấu hiệu và triệu chứng của bạn xảy ra thường xuyên, nhất là khi gắng sức, bác sĩ có thể yêu cầu bạn đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp trong quá trình đo điện tâm đồ;
Thử nghiệm gắng sức. Phương pháp này được sử dụng để thu thập thông tin tim hoạt động như thế nào trong khi gắng sức. Bởi vì khi bạn gắng sức, tim sẽ bơm khó khăn hơn và nhanh hơn so với hoạt động hàng ngày, thử nghiệm gắng sức có thể tiết lộ các vấn đề trong trái tim mà không được chú ý đến. Thử nghiệm gắng sức thường là đi bộ trên máy chạy bộ hoặc đạp xe đạp đứng yên trong khi theo dõi nhịp tim, huyết áp và hơi thở;
Thông tim và chụp mạch máu. Thử nghiệm này có thể cho thấy động mạch vành nào bị hẹp hoặc bị tắc. Bác sĩ sẽ tiêm chất cản quang vào các động mạch của tim thông qua một ống thông nhỏ, dài được đưa vào từ động mạch, thường là ở chân để đưa đến các động mạch trong tim. Khi chất cản quang vào động mạch, hình ảnh động mạch sẽ hiển thị trên hình ảnh X-quang và cho biết khu vực bị tắc nghẽn;
Chẩn đoán bằng hình ảnh khác. Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm, chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp mạch máu cộng hưởng từ để xem các động mạch. Những xét nghiệm này thường có thể cho thấy các động mạch lớn bị hẹp và cứng, cũng như phình động mạch và lắng đọng canxi trong thành động mạch.
8. ĐIỀU TRỊ
Việc điều trị bao gồm thay đổi lối sống hiện tại bằng cách hạn chế lượng chất béo và cholesterol. Bạn cần phải tập thể dục nhiều hơn để cải thiện sức khỏe của tim và mạch máu. Bạn cũng có thể cần sự hỗ trợ y tế, chẳng hạn như:
Thuốc có thể giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch xấu đi. Thuốc bao gồm:
- Thuốc giảm cholesterol bao gồm statin và các dẫn xuất của axit fibric;
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu và thuốc kháng đông như aspirin để ngăn chặn huyết khối và làm tắc nghẽn động mạch;
- Thuốc ức chế beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi để làm giảm huyết áp;
- Thuốc lợi tiểu để giúp giảm huyết áp;
- Thuốc ức chế men chuyển giúp ngăn ngừa hẹp động mạch.
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể cần thiết nếu các triệu chứng đặc biệt nghiêm trọng, cơ hoặc các mô da bị đe dọa. Phẫu thuật để điều trị xơ vữa động mạch bao gồm:
Phẫu thuật bắc cầu. Bác sĩ sẽ sử dụng một tĩnh mạch từ các nơi khác trong cơ thể của bạn hoặc một ống tổng hợp để chuyển hướng máu chảy quanh động mạch bị tắc hoặc bị hẹp.
Tiêu sợi huyết. Bác sĩ sẽ làm tan khối máu đông bằng cách tiêm một loại thuốc vào động mạch bị ảnh hưởng.
Nong mạch. Bác sĩ sẽ sử dụng một ống mỏng, dẻo gọi là ống thông và một quả bóng để mở rộng động mạch.
Cắt bỏ nội mạc động mạch. Bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ chất béo lắng đọng trong động mạch.
Nạo mảng xơ vữa. Bác sĩ sẽ loại bỏ mảng bám động mạch bằng cách sử dụng một ống thông với một lưỡi dao sắc ở một đầu.
9. CÂU HỎI HAY GẶP
Xơ vữa động mạch nên ăn gì kiêng gì?
Để ăn đúng và đủ, không nên ăn quá 6 muỗng cà phê hoặc 100 calo đường mỗi ngày đối với nữ giới và nam giới không ăn quá 9 muỗng cà phê hoặc 150 calo mỗi ngày đối với nam giới.
Bạn nên hạn chế đồ ăn nhiều đường như:
- Nước ngọt, nước uống có ga
- Các loại bánh ngọt, bánh kem…
- Hạn chế thực phẩm nhiều muối
Người ăn nhiều muối không chỉ làm tăng huyết áp mà còn làm rối loạn chức năng nội mô và tăng độ cứng động mạch, kéo theo các nguy cơ gây xơ vữa động mạch. Vì vậy giảm lượng muối dư thừa trong chế độ ăn rất quan trọng đối với sức khỏe mạch máu.
Tránh thực phẩm giàu chất béo không lành mạnh
Nghiên cứu chỉ ra, chất béo bão hòa làm tăng cholesterol xấu trong máu – nguyên nhân trực tiếp gây nên xơ vữa động mạch. Vì vậy, người bị xơ vữa mạch máu nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có chứa chất béo không lành mạnh như:
- Mỡ động vật: mỡ lợn
- Một số dầu thực vật: dầu dừa, dầu hạt cọ
- Bơ động vật có hàm lượng chất béo cao >80%
- Nước sốt ăn kèm salad
- Các món chiên xào đặc biệt dầu đã qua sử dụng
- Đồ ăn nhanh như pizza, mì, bún phở ăn liền, hamburger…
Hạn chế thực phẩm giàu protein trong thịt đỏ
Protein có mối quan hệ mật thiết với bệnh tim mạch. Nghiên cứu trên chuột chỉ ra ăn nhiều protein gấp 3 lần bình thường làm tăng nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch đến hơn 30%.
Vì vậy cần cân đối lượng protein trong thực phẩm như:
- Protein từ thịt đỏ như thị bò, thịt cừu
- Protein trong thịt đã qua chế biến như thịt hộp, thịt hun khói, xúc xích
- Protein động vật như phô mai
- Các loại sữa nguyên kem, sữa béo
10.TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://hellobacsi.com/benh-tim-mach/xo-vua-dong-mach/xo-vua-dong-mach/
https://tambinh.vn/xo-vua-dong-mach-nen-an-gi-kieng-gi/#ftoc-heading-9