1. BỆNH TẮC NGHẼN PHỔI LÀ GÌ?
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một bệnh viêm phổi mãn tính được gây ra luồng khí bị tắc nghẽn từ phổi. Các triệu chứng bao gồm khó thở, ho, tiết chất nhầy (đờm) và thở khò khè. Nguyên nhân gây bệnh là do tiếp xúc lâu dài với các chất khí hoặc hạt vật chất kích thích, thường là từ khói thuốc lá. Những người bị COPD có nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư phổi và một loạt các tình trạng khác.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:
Khí phế thũng: Tổn thương túi khí trong phổi
Viêm phế quản mãn tính: Đặc trưng bởi sự tăng tiết nhiều đờm nhầy trong phế quản và có biểu hiện ho khạc đờm tối thiểu 3 tháng liên tục trong năm, kéo dài 2 năm liên tiếp.
Con số thống kê:
Ở Mỹ, khoảng 24 triệu người có giới hạn luồng thông khí, trong đó khoảng 16 triệu người có chẩn đoán COPD. COPD là nguyên nhân tử vong hàng thứ 3, hậu quả gây 140.000 ca tử vong mỗi năm - so với 52.193 ca tử vong vào năm 1980. Từ năm 1980 đến năm 2000, tỷ lệ tử vong do COPD tăng 64% (từ 40,7 lên 66,9/100.000) và vẫn duy trì ổn định kể từ đó. Tỷ lệ mắc, tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong tăng theo độ tuổi. Tỷ lệ hiện hành ở nữ giới cao hơn, nhưng tổng tử vong tương tự ở cả hai giới. COPD dường như có tính gia đình do thiếu alpha-1 antitrypsin (thiếu hụt chất ức chế alpha-1 antiprotease).
COPD đang gia tăng trên toàn thế giới do sự gia tăng hút thuốc ở các nước đang phát triển, giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm, và việc sử dụng rộng rãi nhiên liệu sinh học như gỗ, cỏ hay các vật liệu hữu cơ khác. Tử vong do COPD cũng có thể ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển hơn là các nước phát triển. COPD ảnh hưởng đến 64 triệu người và gây ra 3,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới trong năm 2015 và dự kiến sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3 trên toàn cầu vào năm 2030.
2. NGUYÊN NHÂN
Trong tất cả các phơi nhiễm đường hít, khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính ở hầu hết các quốc gia, mặc dù chỉ có khoảng 15% số người hút thuốc có triệu chứng lâm sàng COPD; tiền sử hút thuốc 40 bao năm hoặc nhiều hơn là dấu hiệu dự báo đặc biệt. Khói do nấu ăn trong nhà và sưởi ấm là một yếu tố nguy cơ quan trọng gây bệnh ở các nước đang phát triển. Những người hút thuốc có tăng tính phản ứng đường thở trước đó (được xác định bởi tăng sự nhạy cảm khi hít methaneolin), thậm chí ngay cả khi không có biểu hiện lâm sàng của hen, có nguy cơ mắc bệnh COPD cao hơn những người không bị.
Trọng lượng cơ thể thấp, rối loạn hô hấp khi còn nhỏ và tiếp xúc khói thuốc lá thụ động, ô nhiễm không khí và bụi nghề nghiệp (ví dụ: bụi khoáng, bụi bông) hoặc hít phải các hóa chất (ví dụ: cadmium) góp phần là nguy cơ gây COPD nhưng có tầm quan trọng ít hơn so với hút thuốc lá.
Yếu tố di truyền
Rối loạn di truyền được xác định gây bệnh được rõ nhất là thiếu alpha-1 antitrypsin, đó là một nguyên nhân quan trọng gây ra khí phế thũng ở những người không hút thuốc và tăng rõ ở người hút thuốc lá.
Trong những năm gần đây, đã có 30 biến thể di truyền được tìm thấy có liên quan đến COPD hoặc suy giảm chức năng phổi ở các quần thể được lựa chọn, nhưng không có kết quả nào được chứng minh là có hậu quả như alpha-1 antitrypsin.
Thực tế, việc hút thuốc lá càng nhiều và thời gian càng dài thì khả năng mắc bệnh phổi tắc nghẽn càng cao. Một số trường hợp COPD là do tiếp xúc lâu dài với khói hoặc bụi có hại. Những người khác là kết quả của một vấn đề di truyền hiếm gặp, có nghĩa là phổi dễ bị tổn thương hơn.
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Nếu không điều trị, các triệu chứng của bệnh thường tiến triển nặng hơn. Cũng có thể có những giai đoạn khi chúng trở nên tồi tệ hơn, được gọi là đợt cấp hoặc đợt bùng phát.
Phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra những tác động, dấu hiệu trực tiếp ở hệ thống hô hấp, cụ thể là:
- Tình trạng ho mãn tính, kéo dài.
- Ho có đờm, đờm có màu trắng, màu vàng xám, màu xanh lá cây thậm chí đôi khi có thể thấy đờm kèm máu.
- Bị nhiễm trùng đường hô hấp và tái đi tái lại tình trạng cúm, cảm lạnh.
- Khó thở, thở gấp sức, thở gấp.
- Ngực có cảm giác thắt chặt, đau.
- Thở khò khè, mệt mỏi kéo dài.
- Sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh.
Đây là những triệu chứng ban đầu sẽ bắt gặp ở cả trẻ em và người lớn khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Những dấu hiệu này thường bị người bệnh chủ quan nên không có định hướng khám và điều trị dứt điểm. Người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cần điều trị tại bệnh viện ngay khi thấy có các triệu chứng nặng như:
- Khó thở đến nỗi không thể nói chuyện.
- Móng tay, chân hoặc môi người bệnh chuyển màu xanh, màu xám- điều này chứng tỏ nồng độ oxy trong máu thấp.
- Có tình trạng rơi vào trạng thái lơ mơ.
- Nhịp tim nhanh, rất nhanh.
- Các triệu chứng ở giai đoạn đầu kể trên ngày càng nặng, mặc dù đã được điều trị trước đó
4. BIẾN CHỨNG
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nếu không được điều trị sớm và dứt điểm sẽ gây ra nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Trong đó, các bác sĩ chuyên khoa cho biết, một số biến chứng bao gồm:
Các bệnh về tim: Khi ở giai đoạn nặng, người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ bị nhịp tim nhanh, gây rối loạn nhịp tim, dẫn đến suy tim (hay còn gọi là tâm phế mạn).
Bệnh cao huyết áp: Phổi tắc nghẽn mãn tính có thể gây ra áp suất cao trong các mạch đưa máu đến phổi của người bệnh gây tăng áp phổi, tăng huyết áp.
Nhiễm trùng hô hấp: Người bệnh sẽ có triệu chứng bị cảm lạnh thường xuyên, cúm hoặc viêm phổi nặng mà không thể chữa khỏi.
Các rối loạn cùng tồn tại hoặc biến chứng ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng cuộc sống và sự sống còn bao gồm loãng xương, trầm cảm, lo âu, bệnh động mạch vành, ung thư phổi và các bệnh ung thư khác, teo cơ, và trào ngược dạ dày thực quản. Mức độ của rối loạn là hậu quả của COPD, hút thuốc, và viêm hệ thống đi kèm là không rõ ràng.
5. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Có thể nói, hút thuốc lá hay hút thuốc lá thụ động là tác nhân gây bệnh lớn nhất. Cùng với các nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh kể trên, các yếu tố kết hợp sau khiến khả năng mắc phổi tắc nghẽn mãn tính càng cao là người trong độ tuổi từ 65-74, có tiền sử bệnh hen hay các bệnh hô hấp khác, người có tiền sử hút thuốc hoặc hít nhiều khói thuốc trước đây, người có gia đình mắc bệnh này,... Các đối tượng này cần phòng tránh mắc bệnh một cách sớm nhất.
6. PHÒNG NGỪA
COPD phần lớn là một bệnh có thể phòng ngừa được. Người bệnh có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc COPD nếu tránh hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào). Vì thế nếu bạn đang hút thuốc thì nên dừng lại để có thể ngăn ngừa tổn thương thêm cho phổi trước khi nó bắt đầu gây ra các triệu chứng trầm trọng.
Quản lý COPD: Người bệnh sẽ được theo dõi định kỳ hàng tháng tại các phòng quản lý Hen, COPD. Tại đây các bác sĩ sẽ kiểm tra chức năng hô hấp, tư vấn và cấp thuốc điều trị dự phòng cho người bệnh.
Ngoài ra, việc tiêm ngừa vắc-xin Cúm hàng năm và vắc-xin phế cầu giúp bạn giảm nguy mắc các đợt bùng phát COPD hiệu quả.
7. CHẨN ĐOÁN
Tại bệnh viện, người bệnh sẽ được thực hiện các xét nghiệm, các chẩn đoán cận lâm sàng,... để đưa ra chẩn đoán chính xác nhất. Cụ thể người bệnh sẽ thực hiện xét nghiệm chức năng phổi, đo hô hấp kế, chụp X-quang hay CT scan ngực, khí máu động mạch để bác sĩ có kết luận chính xác.
8. ĐIỀU TRỊ
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên có nhiều phương pháp để để điều trị, phòng ngừa bệnh phát triển một cách hiệu quả. Đối với phổi tắc nghẽn mãn tính, bác sĩ chuyên khoa sẽ hướng đến mục tiêu điều trị là giảm các triệu chứng của bệnh, đẩy lùi, làm chậm sự phát triển bệnh, cải thiện gắng sức, ngăn ngừa và điều trị biến chứng.
Với cách phương pháp điều trị hiện nay đang được áp dụng phổ thông như:
Sử dụng thuốc: Các loại thuốc giãn phế quản, long đờm giúp người bệnh thở dễ dàng, thuốc giãn phế quản giảm viêm phổi, cải thiện triệu chứng.
Vaccine phòng ngừa: Người bệnh sử dụng các vaccine phòng cúm, thuốc chủng ngừa phế cầu, liệu pháp oxy.
Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị cuối cùng cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính mà dùng thuốc không có hiệu quả, điển hình là ghép phổi.
Tổn thương phổi do COPD gây ra là vĩnh viễn, nhưng điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của tình trạng này. Phương pháp điều trị bao gồm:
Ngừng hút thuốc: Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra bệnh COPD, nên ngừng hút thuốc chính là điều quan trọng nhất người bệnh cần thực hiện để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Ống hít và thuốc: Giúp thở dễ dàng hơn. Có rất nhiều thuốc giúp cải thiện tình trạng hô hấp. Các thuốc giãn phế quản và corticoid sẽ được các bác sĩ lựa chọn và kê đơn cho người bệnh.
Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh khi người bệnh có các dấu hiệu của nhiễm khuẩn ở phế quản phổi.
Các thuốc hỗ trợ: Long đờm, dinh dưỡng, điều trị các bệnh đồng mắc giúp người bệnh nhanh cải thiện triệu chứng hơn.
Thở oxy, thở máy: Người bệnh sẽ được thở oxy hoặc thở máy hỗ trợ khi tình trạng bệnh trở nên trầm trọng.
Phục hồi chức năng phổi: Một chương trình chuyên biệt về tập thể dục, tập thở, tập ho hiệu quả, vỗ rung và giáo dục sức khoẻ.
9. CÂU HỎI HAY GẶP
Lời khuyên dành cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính
- Bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay khi phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh nói trên, để khám và định hướng điều trị đúng đắn.
- Dùng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện bệnh sớm nhất.
- Bỏ thuốc lá, thuốc lào; đối với trẻ em cần tránh hít phải khói thuốc , giữ môi trường sống trong sạch, hạn chế tiếp xúc với các loại khói, khí kích thích.
- Luyện tập thể dục, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Hàng năm cần tiêm phòng cúm, 5 năm 1 lần tiêm phòng phế cầu.
- Khi tình trạng phổi tắc nghẽn mãn tính nặng, cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được giải quyết kịp thời.
- Hàng ngày tập thở ở nơi thoáng mát, tránh nhiễm lạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/benh-phoi-tac-nghen-man-tinh-copd/
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/trieu-chung-va-cach-chua-benh-phoi-tac-nghen-man-tinh/