1. TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ LÀ BỆNH GÌ?
Tiểu đường thai kỳ là căn bệnh nguy hiểm mà không bà mẹ mang thai nào mong muốn nhưng lại có thể xảy đến với bất kỳ phụ nữ nào. Trong thời kỳ mang bầu, nhau thai tạo ra các loại nội tiết tố giúp thai nhi phát triển. Những nội tiết tố này lại vô tình gây ra một số tác động xấu đến insulin, dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố và hậu quả là gây ra đái tháo đường thai kỳ.
Tiểu đường thai kỳ là bệnh lý gây ra bởi sự rối loạn lượng đường trong máu trong thời kỳ mang thai. Đây được xem là bệnh thường gặp ở mẹ bầu. Tuy nhiên, bệnh chỉ phát triển mạnh trong thời gian mang thai và sẽ biến mất sau khi sinh.
Đái tháo đường thai kỳ có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm không chỉ cho mẹ mà còn gây ra cho cả thai nhi. Do đó nên làm xét nghiệm ở 3 tháng đầu của thai kỳ để được chẩn đoán sớm, đặc biệt ở những người có nguy cơ đái tháo đường thì cần làm xét nghiệm ngay từ lần khám thai đầu tiên và có những biện pháp phòng ngừa đái tháo đường.
Chỉ số tiểu đường thai kỳ như thế nào là bình thường?
Kết quả bình thường glucose máu ở sản phụ:
Lúc đói : ≤ 92 mg/dl (5.1 mmol/l)
Sau ăn 1 giờ: ≤ 180 mg/dl (10 mmol/l)
Sau 2 giờ : ≤ 153 mg/dl (8.5 mmol/l)
Con số thống kê về bệnh
Nghiên cứu cho thấy, có khoảng 2% đến 10% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ
2. NGUYÊN NHÂN GÂY RA TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ?
Trong giai đoạn bầu bí, chính vì nhu cầu năng lượng tăng cao nên cơ thể bạn đòi hỏi lượng đường nhiều hơn. Tuy nhiên, cơ thể thai phụ có thể tự điều tiết sản xuất thêm lượng insulin để giải quyết lượng đường tăng cao trong thời gian mang thai. Song trên thực tế, không phải bà mẹ nào cũng được thuận lợi như vậy.
Mặt khác, trong thời kỳ mang bầu, nhau thai tạo ra các loại nội tiết tố giúp thai nhi phát triển. Những nội tiết tố này lại vô tình gây ra một số tác động xấu đến insulin, dẫn đến tình trạng rối loạn nội tiết tố và hậu quả là gây ra đái tháo đường thai kỳ.
3. CÁCH NHẬN BIẾT TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ
Bệnh đái tháo đường thai kỳ diễn ra một cách thầm lặng. Thông thường thai phụ không biết mình mắc bệnh cho đến khi đi khám thai định kỳ và bác sĩ cho làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ.
Tuy nhiên, bạn có thể nhận ra một vài biểu hiện tiểu đường thai kỳ sau đây:
- Cảm thấy thường xuyên khát nước, hay thức giấc giữa đêm để uống nước;
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày và lượng nước tiểu cũng nhiều hơn so với các thai phụ khác;
- Khi bị trầy xước, vết thương sẽ rất lâu lành;
- Dễ bị nhiễm nấm ở vùng kín, dùng thuốc trị nấm thông thường không hiệu quả.
- Dấu hiệu sụt cân, mệt mỏi, thiếu sức sống.
4. BỆNH TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Ảnh hưởng đối với mẹ:
- Người mẹ bị đái tháo đường ở lần mang thai trước hoặc sẽ nặng hơn nếu như mẹ đã bị bệnh tiểu đường từ trước khi mang thai.
- Tăng cân nhiều, trên 20kg, đa phần thai to, đa ối, em bé khi sinh ra có cân nặng trên 4kg.
- Ăn nhiều, uống nhiều và tiểu nhiều, trong nước tiểu có đường, dễ bị nấm candida tái phát nhiều lần.
- Nhiễm trùng, viêm bể thận, viêm thận hay băng huyết sau sinh.
- Sẩy thai nhiều lần liên tiếp hoặc thai chết lưu không rõ lý do.
Ảnh hưởng đối với thai nhi:
- Thai nhi có thể bị dạng, dị tật bẩm sinh về cơ, thần kinh,...
- Do kích thước thai to nên sinh ra dễ bị gãy xương, hay gặp sang chấn khi sinh thường và khi sinh mổ.
- Tiểu đường thai kỳ làm tăng tỷ lệ tử vong của thai nhi và em bé sơ sinh trong tuần đầu tiên sau khi chào đời gấp 2 - 5 lần so với bình thường.
- Em bé có thể bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi và có nguy cơ bị đái tháo đường do di truyền.
5. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ sẽ cao hơn nếu thai phụ có một trong những yếu tố dưới đây:
- Mang thai khi đã ngoài tuổi 30;
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường type 2.
- Tiền sử bản thân đã bị tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
- Thừa cân, béo phì trước và trong khi mang thai.
- Đứa con trước nặng hơn 4,1 kg
6. PHÒNG NGỪA TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ
Duy trì cân nặng lý tưởng trước khi mang thai
Khi quyết định có em bé, bạn hãy cố gắng duy trì cân nặng ở mức lý tưởng. Thừa cân không phải là nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ, nhưng đây là yếu tố nguy cơ hàng đầu của căn bệnh này. Cụ thể, người có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) lớn hơn 30 thì có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ cao gấp 3 lần so với người có BMI nhỏ hơn 25.
Ngoài ra, việc giảm cân nên được thực hiện trước khi quyết định mang thai, đặc biệt là khi bạn bị thừa cân, béo phì. Giảm cân trong khi đang có thai là không được khuyến khích, bởi vì điều này không an toàn cho sức khỏe của mẹ và quá trình mang thai.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
- Một chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ làm giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ mà còn cải thiện sức khỏe của thai phụ trong những ngày bầu bí mệt mỏi. Hãy cố gắng cân bằng lượng đường bột và các nhóm chất còn lại để chỉ số đường huyết không tăng quá cao sau khi ăn.
- Không có thực đơn chung cho tất cả phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, có những nguyên tắc chung mà bạn có thể thực hiện, chẳng hạn như chia nhỏ bữa ăn, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, sử dụng chất béo tốt cho sức khỏe, đảm bảo cân bằng hàm lượng dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
- Cách đơn giản nhất để có thể kiểm soát lượng thức ăn mỗi ngày, đó là nhờ sự tư vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng. Từ đó, bạn lập ra kế hoạch ăn uống cho bản thân và tuân thủ nghiêm túc theo kế hoạch đã đề ra. Như vậy, bạn sẽ không phải lo chỉ số tiểu đường thai kỳ tăng quá cao và hạn chế nguy cơ xảy ra đái tháo đường khi mang thai.
Tăng cường vận động hợp lý
- Vận động là yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa tiểu đường thai kỳ. Hãy trao đổi với bác sĩ sản khoa để thiết lập một chế độ vận động phù hợp nhất đối với sức khỏe của từng người. Nếu có thể, bạn nên dành 30 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục phù hợp như đi bộ hoặc bơi lội.
- Vận động giúp mẹ bầu cải thiện chỉ số tiểu đường thai kỳ
- Nếu không thể tập thể dục hàng ngày liên tục 30 phút thì bạn có thể chia nhỏ thời gian tập mỗi lần khoảng 10 phút. Bên cạnh đó, các loại hình vận động khác như làm việc nhà, đi thang bộ cũng được xem là hiệu quả tương đương tập thể dục.
- Hơn nữa, vận động sau bữa ăn giúp chỉ số tiểu đường thai kỳ không tăng quá cao, cải thiện sự đề kháng insulin, tăng cường sự dẻo dai, sức chịu đựng của cơ thể và hoạt động của hệ tim mạch. Ngoài ra, trong lúc tập thể dục, cơ thể sẽ tiết ra các nội tiết tố giúp bạn cảm thấy thoải mái, lạc quan và phòng tránh stress hiệu quả.
- Bên cạnh đó, đừng quên đến khám thai định kỳ trong suốt quá trình mang thai. Bởi vì đây là cách tốt nhất để mẹ bầu kiểm soát đái tháo đường thai kỳ và các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
3 tháng cuối thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ, ngoài việc tầm soát tiểu đường thai kỳ thì thai phụ cần:
- Nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
- Phân biệt rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử lý kịp thời, tránh gây sinh non, suy thai, thai chết lưu.
- Đặc biệt cẩn trọng khi xuất hiện chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.
- Theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
- Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của bé và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
- Nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.
- Phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.
7. CHẨN ĐOÁN
Có thể thực hiện một trong những phương pháp sau để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ:
Đường huyết đói, xét nghiệm dung nạp đường
Phương pháp 1 bước (one-step strategy)
Thực hiện nghiệm pháp dung nạp 75g glucose đường uống (75-g OGTT): đo nồng độ glucose huyết tương lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những sản phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện vào buổi sáng lúc đói, sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ khi bất kỳ giá trị glucose huyết thoả mãn tiêu chuẩn sau đây:
- Đường máu lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
- Đường máu ở thời điểm 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
- Đường máu ở thời điểm 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
Phương pháp 2 bước (two-step strategy)
Bước 1: Thực hiện nghiệm pháp uống glucose 50g hoặc uống tải glucose 50 gam (glucose loading test: GLT): Uống 50 gam glucose (trước đó không nhịn đói), đo glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ, ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những sản phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó.
Nếu mức glucose huyết tương được đo lường tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L) tiếp tục với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g.
Bước 2: Thực hiện nghiệm pháp dung nạp 100g glucose đường uống (100-g OGTT): Nghiệm pháp phải được thực hiện khi bệnh nhân đang đói: Bệnh nhân nhịn đói, sau đó uống 100 gam glucose được pha trong 250ml - 300 ml nước, đo glucose huyết lúc đói vào tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, sau khi uống glucose.
Tổng phân tích nước tiểu
Các chỉ số xét nghiệm nước tiểu chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ:
Glucose
Glucose là một loại đường có trong máu. Bình thường thì trong nước tiểu sẽ không có hoặc có rất ít glucose. Khi lượng đường huyết trong máu tăng rất cao, chẳng hạn như đái tháo đường không kiểm soát thì đường sẽ thoát ra nước tiểu. Glucose cũng có thể được tìm thấy trong nước tiểu khi thận bị tổn thương hoặc có bệnh.
Chỉ số glucose cho phép: 50-100 mg/dL hoặc 2.5-5 mmol/L.
Nếu sản phụ dùng nhiều thức ăn ngọt trước khi làm xét nghiệm, sự xuất hiện của hàm lượng glucose trong nước tiểu là một điều bình thường. Nhưng nếu lượng đường ở lần xét nghiệm thứ hai cao hơn lần xét nghiệm đầu, thì đây là dấu hiệu cảnh báo sản phụ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, nếu có kèm thêm các triệu chứng như: mệt mỏi, luôn khát nước, sụt cân, thì nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra lượng đường huyết
Ketone
Chỉ số này thường xuất hiện ở người bị tiểu đường, chế độ ăn ít chất carbohydrate, nghiện rượu hoặc suy nhược cơ thể.
Chỉ số cho phép: 2.5-5.0mg/dL hoặc 0.25-0.5 mmol/L. Bình thường không có hoặc đôi khi có ở mức độ thấp đối với phụ nữ đang mang thai.
Ketone là một chất được thải ra ở đường tiểu, cho biết sản phụ và thai nhi đang thiếu dinh dưỡng hoặc mắc chứng tiểu đường. Khi phát hiện lượng Ketone, và kèm theo các dấu hiệu như: chán ăn, mệt mỏi, thì sản phụ có thể sẽ được bác sĩ chỉ định truyền dịch và dùng thuốc. Để giảm hết lượng Ketone, sản phụ nên thư giãn, nghỉ ngơi và tuyệt đối không được bỏ bữa.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm khác để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ ví dụ như:
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: TSH, FT4, FT3 hoặc T3
- Cholesterol toàn phần, HDL-cholesterol, LDL-cholesterol, Triglycerides lúc đói
- SGOT, SGPT Protid máu
- Creatinine máu, GFR ước đoán
- HbA1c (lặp lại mỗi 3-6 tháng)
- Điện tâm đồ
- Xquang ngực thẳng
- Khám đáy mắt (nếu có điều kiện chụp hình màu võng mạc)/ hàng năm.
8. ĐIỀU TRỊ
Phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ nhằm đạt được mục tiêu:
- Glucose máu đói, đường máu trước ăn, đường máu trước ngủ 3,9 - 5,5 mmol/l.
- Glucose máu sau ăn 1h và 2h từ 5,4 - 7,1 mmol/l.
- HbA1C < 6%.
- Ngoài ra, khi phát hiện đái tháo đường thai kỳ hướng dẫn người bệnh điều chỉnh glucose máu bằng chế độ ăn (giảm chất ngọt, giảm glucid) và theo dõi đường máu liên tục 6 lần/ngày. Sau 2 tuần không đạt kết quả chuyển sang kiểm soát glucose máu bằng tiêm thuốc insulin.
Trong phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ, thai phụ cần phải điều trị bằng insulin:
- Insulin là thuốc điều trị chủ chốt trong thai kỳ
- Insulin dùng trước các bữa ăn và insulin nền vào buổi tối là tối ưu nhất
- Tính liều khởi đầu theo cân nặng: 0,4 đến 0,5 đơn vị/ kg/ 24h
- Tổng liều insulin cần chia ra 40 đến 50% insulin nền và 50-60% insulin trước các bữa ăn.
- Chỉnh liều dần đến đường máu đạt mục tiêu
Ngoài việc áp dụng phác đồ điều trị đái tháo đường thai kỳ thì thai phụ cần:
Hạn chế ăn chất bột: 35-45% tổng số năng lượng. Chọn loại có chỉ số tăng đường máu thấp.
Chia bữa ăn thành 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ. Kalo: 30% cho bữa sáng, 30% cho bữa trưa, 20 % bữa tối và 20% các bữa phụ.
Chọn thức ăn nhiều chất xơ, rau tươi, ít chất béo bão hòa. Tránh ăn thức ăn nhiều đường (bánh kẹo, nước ngọt, trái cây nhiều đường). Dinh dưỡng đủ 5 nhóm: rau củ, ngũ cốc, đạm, sản phẩm sữa và hoa quả. Bổ xung multivitamin với sắt, acid folic, calcium.
Ngoài ra bạn cũng cần:
Lập kế hoạch ăn uống và tuân thủ nghiêm túc
Lập thực đơn ăn uống mỗi ngày với các món ăn và hàm lượng dinh dưỡng cân bằng theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa giúp bạn kiểm soát lượng tinh bột và năng lượng nạp vào cơ thể, tránh trường hợp ăn uống tùy hứng làm đường huyết dao động quá cao hoặc quá thấp. Tuân thủ theo chế độ ăn bệnh lý đái tháo đường là một việc khó khăn vì nó hoàn toàn khác với thói quen ăn uống thường ngày của bạn. Tuy nhiên, thông qua việc lên kế hoạch ăn uống, bạn có thể tính toán cân đối những món ăn mình thích và những món ăn khác sao cho bảo đảm dinh dưỡng mà đường huyết vẫn ổn định. Các chuyên gia thường khuyên người mẹ bị đái tháo đường thai kỳ cần chia nhỏ bữa ăn để tránh đường huyết sau ăn tăng quá cao với ba bữa chính (lượng thức ăn ít hơn thông thường) và ba bữa phụ xen kẽ. Với số lượng bữa ăn phong phú như vậy, bạn có thể kết hợp sáng tạo nhiều món mà không bị ngán.
Tăng cường vận động
Tăng cường vận động giúp tiêu thụ bớt năng lượng thừa, giảm đề kháng insulin và giảm đường huyết. Khi mang thai, tăng cân là điều hiển nhiên. Tuy vậy, số cân nặng tăng thêm tùy thuộc vào giai đoạn thai kỳ và tình trạng béo phì trước đó của mẹ. Vận động giúp tránh tăng cân quá mức. Một số hình thức vận động nhẹ nhàng, đơn giản như đi bộ mỗi ngày hai lần, mỗi lần 30 phút cũng rất hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể bơi lội, đi bộ trên máy hay thực hiện các bài tập tại chỗ nhẹ nhàng. Khi mang thai, bạn nên tránh các môn thể thao gắng sức hoặc phải căng giãn cơ thể quá mức.
9. CÂU HỎI HAY GẶP
Những thực phẩm thai phụ nên ăn khi mắc tiểu đường thai kỳ:
- Thịt nạc, cá, đậu hũ, yaourt, các loại sữa không béo và không đường.
- Các loại thực phẩm ít gây tăng đường máu như: đậu đỗ, gạo lứt, các loại trái cây ít ngọt, củ quả, rau xanh.
- Ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo không làm tăng đường máu lên quá cao, sau khi ăn và cũng không để đường máu hạ quá thấp lúc xa bữa ăn. Trong ngày nên ăn 3 bữa chính và 1 - 2 bữa ăn phụ.
* Lưu ý:
Đối với phụ nữ mang thai trong 6 tháng cuối cần tăng thêm 350 Kcal/ngày so với bình thường.
Đối với phụ nữ đang cho con bú cần tăng thêm 550 Kcal/ngày so với người bình thường.
Những thực phẩm thai phụ nên giảm bớt:
- Các loại thực phẩm gây tăng đường huyết như: bánh kẹo, kem, chè, các loại trái cây ngọt,...
- Khi bị tiểu đường thai kỳ cần giảm ăn mặn và các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa nhiều muối để phòng ngừa tăng huyết áp như: thịt nguội, đồ hộp, vì gói, cháo,...
- Các loại thực phẩm có nhiều chất béo gây tăng mỡ máu như: lòng đỏ trứng, thức ăn chiên xào, nội tạng (tim, gan, thận),...
- Thai phụ cũng cần giảm uống nước ngọt, nước ép trái cây ngọt, chè đặc, rượu bia, cà phê,
Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?
Sinh thường là mong muốn của hầu hết các bà mẹ bởi phương pháp này an toàn cho cả mẹ và bé. Nhưng trong nhiều trường hợp khách quan, bác sĩ chỉ định phải sinh mổ. Trong đó có trường hợp do thai phụ mắc tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên tiểu đường thai kỳ hoàn toàn có thể sinh thường bình thường theo chỉ định của bác sĩ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
9 Efficient Home Remedies For Gestational Diabetes. Truy xuất từ
- https://www.organicfacts.net/home-remedies/gestational-diabetes.html
- https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/thuc-don-goi-y-cho-ba-bau-mac-tieu-duong-thai-ky/