Bệnh hen phế quản thường không thể chữa khỏi, nhưng triệu chứng của bệnh có thể được kiểm soát bởi sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân.
Tỷ lệ mắc hen phế quản theo từng nước và theo lứa tuổi: Tổ chức Y tế thế giới ước tính có khoảng 300 triệu người mắc hen phế quản mỗi năm. ở trẻ em tỷ lệ mắc cao, trung bình từ 8 -11% (1 – 18%). ở người lớn tỉ lệ mắc trung bình là 5 – 16,3%.
1. HEN PHẾ QUẢN LÀ GÌ?
Hen phế quản là bệnh liên quan nhiều đến việc thay đổi thời tiết, môi trường sống. Vì vậy, người bệnh hen phế quản phải chú ý giữ gìn sức khỏe, nhất là khi giao mùa, thời tiết lạnh dễ mắc các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp do nhiễm vi khuẩn, virus, cảm cúm... làm phế quản co thắt dẫn đến cơn hen cấp
Hen phế quản là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng tính đáp ứng đường thở (co thắt, phù nề, tăng tiết đờm) gây tắc nghẽn, hạn chế luồng khí đường thở, làm xuất hiện các dấu hiệu khò khè, khó thở, nặng ngực và ho tái diễn nhiều lần, thường xảy ra ban đêm và sáng sớm, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc..
Phân loại theo nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
- Hen nội sinh (intrinsic asthma): còn gọi là hen không Atopy, hen không dị ứng.
- Hen ngoại sinh (extrinsic asthma ): còn gọi là hen Atopy hay hen dị ứng.
- Hen nghề nghiệp (ocupational asthma): có tác giả xếp vào hen ngoại sinh.
- Hen mẫn cảm với aspirin (aspirin induced asthma): có tác giả xếp vào hen nội sinh.
2. NGUYÊN NHÂN
Có rất nhiều tác nhân khởi phát cơn hen phế quản:
Các tác nhân dị ứng: là nguyên nhân thường gặp nhất.
Dị nguyên đường hô hấp: thường là bụi nhà, phấn hoa, nấm mốc, lông động vật, khói thuốc lá, các con bọ sống trong chăn nệm,… Cũng có thể là những chất trong công nghiệp như: bụi kim loại, khói xăng dầu, hơi sơn,…
Dị nguyên thực phẩm: các loại hải sản (tôm, cua, cá, sò,… ), trứng, thịt gà, lạc.
Thuốc: Một số loại thuốc cũng có thể là yếu tố khởi phát cơn hen, như aspirin, penicillin,…
Tác nhân nhiễm khuẩn: Các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amiđan,… là một trong những nguyên nhân gây ra cơn hen ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng.
Các tác nhân không dị ứng:
Di truyền: Trong gia đình có người bị hen phế quản.gặp 35 – 70% ở bệnh nhân hen phế quản. Có nhiều gen liên quan đến bệnh sinh của hen phế quản và khác nhau theo nhóm chủng tộc. Gen kiểm soát đáp ứng miễn dịch trong hen phế quản là HLA-DRB1-15. Gen liên quan đến sản xuất các cytokin viêm, IgE và tăng đáp ứng phế quản ở NTS 5q.
Yếu tố tâm lý: tình trạng lo âu, căng thẳng, sang chấn tâm lý,…
Rối loạn tình dục.
Yếu tố cơ địa
Tạng Atopy (cơ địa dị ứng): là yếu tố nguy cơ quan trọng phát triển hen phế quản, khoảng 50% bệnh nhân hen phế quản có tạng Atopy.
Giới tính: giới tính nam là yếu tố nguy cơ hen phế quản trẻ em (trẻ em tỷ lệ mắc hen phế quản ở bé trai nhiều hơn bé gái). Khi trưởng thành tỉ lệ mắc HPQ ở nữ nhiều hơn nam.
Chủng tộc: người da đen có tỷ lệ mắc hen phế quản cao hơn người da trắng.
Béo phì cũng là yếu tố nguy cơ hen phế quản.
Yếu tố môi trường
Dị nguyên: là yếu tố quan trọng nhất phát triển hen phế quản.
- Dị nguyên trong nhà:bụi nhà (trong đó có con bọ nhà như Dermatophagoides Pteronyssius, Dermatophagoides farinae, Dermatophagoides micoceras), dị nguyên động vật (lông chó, mèo), gián (Blatella Orientalis ), nấm (Penicillium, Aspergillus ).
- Dị nguyên ngoài nhà: phấn hoa (cây, cỏ) , nấm (Alternaria, Cladosporium).
- Tác nhân nhạy cảm nghề nghiệp: các chất hoá học có trọng lượng phân tử thấp và cao.
Khói thuốc lá: trong khói thuốc có Polycylic hydrocarbon, Cacbon monoxide, carbon dioxid, nitric oxid. Hút thuốc chủ động và thụ động làm tăng nguy cơ hen phế quản ở người tiếp xúc với tác nhân nhạy cảm nghề nghiệp.
Ô nhiễm không khí:
- Ô nhiễm trong nhà: do nấu ăn với gas, gỗ (có chứa nitric oxid, nitrogen oxid, carbon monoxid, sulfuldioxid ) .
- Ô nhiễm ngoài nhà: khói công nghiệp, hoá ảnh.
Nhiễm trùng hô hấp: giả thuyết nhiễm trùng là yếu tố nguy cơ đã được chứng minh ở người hen phế quản không có cơ địa dị ứng. Hay gặp nhiễm virus hô hấp (Rhinovirus, Coronavirus, Influenza virus, Respiratory syncytial virus, Adenovirus), nhiễm khuẩn (Chlamydiae pneumoniae, Mycobarterium bovis), nhiễm ký sinh trùng.
Các yếu tố khác: tình trạng kinh tế xã hội thấp kém, gia đình đông người, chế độ ăn kiêng, dùng thuốc (thuốc thuộc nhóm NSAID ).
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Cơn hen phế quản thường xuất hiện đột ngột vào ban đêm sau khi tiếp xúc với các tác nhân gây khởi phát, bệnh nhân khó thở nhiều khi thở ra, phải ngồi dậy để thở. Có thể nghe thấy tiếng thở rít hay khò khè. Ngoài ra, bệnh nhân có thể ho, khạc đờm kèm theo. Đôi khi thấy hình ảnh lồng ngực biến dạng.
Hen phế quản thường có một số triệu chứng báo trước như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan hoặc buồn ngủ. Triệu chứng khi phát bệnh phổ biến nhất là ho, khó thở thành cơn về đêm hoặc khi thay đổi thời tiết. Cơn khó thở kéo dài 5-15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Sau đó giảm dần và kết thúc là một trận ho và khạc đờm dãi. Đờm dãi màu trong quánh và dính. Sau cơn hen thì hết các triệu chứng hoặc khi thở ra, có tiếng cò cử mà bản thân bệnh nhân và người khác cũng nghe thấy.
1. Triệu chứng cơ năng
Khởi phát bệnh:
- Trẻ em: 50% biểu hiện trước 10 tuổi, tuổi trung bình phát bệnh là 7 tuổi.
- Người lớn: biểu hiện ở bất kỳ tuổi nào.
Khởi phát của đợt bùng phát rất đa dạng: khởi phát từ từ thường gặp ở người già, nghiện thuốc lá; khởi phát đột ngột thường gặp ở người trẻ.
Triệu chứng của đợt bùng phát:
- Ho: thường không có đặc trưng, ho khan; đôi khi thường khạc đờm trắng, quánh, dính (hạt trai); ho thường sau khi khó thở giảm. Có bệnh nhân ho là triệu chứng duy nhất của đợt bùng phát: ho đêm, dai dẳng, tái diễn, tạo nên thể ho đơn thuần của hen phế quản (congh variant asthma).
- Khó thở: đây là triệu chứng cơ bản và đặc trưng của đợt bùng phát. Thường khó thở thành cơn, khó thở ra, kèm tiếng rít, thường về đêm và sáng. Khó thở từng đợt, tái diễn có chu kỳ theo tuần, tháng hay mùa hoặc khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên, nhiễm trùng, vận động. Khó thở nặn, nhẹ theo từng đợt, có thể tự hết hoặc hết khi dùng thuốc giãn phế quản . Có trường hợp khó thở dai dẳng, liên tục hoặc không khó thở tạo nên thể lâm sàng không điển hình .
- Nghẹt lồng ngực (tight chest): bệnh nhân cảm giác nghẹt hoặc bó ép lồng ngực. Triệu chứng tăng khi khó thở và giảm khi hết khó thở.
2. Tiền sử
Bản thân: có thể có các biểu hiện sau:
- Tạng Atopy: hen phế quản hay gặp ở người có cơ địa nhạy cảm với các dị nguyên và tác nhân môi trường.
- Tiền sử bệnh hô hấp: viêm phổi, phế quản tái diễn ở giai đoạn tuổi trẻ.
- Tiền sử bệnh tai – mũi – họng: viêm mũi xoang dị ứng, polyp mũi, viêm xoang mủ .
- Bệnh lý tiêu hóa: dị ứng thức ăn, trào ngược dạ dày – ruột.
- Bệnh ngoài da: eczema, mày đay, viêm da dị ứng.
Gia đình: có tạng Atopy và bị hen phế quản.
3. Triệu chứng thực thể
Ngoài đợt bùng phát thường không có triệu chứng thực thể. Trong đợt bùng phát có thể có các triệu chứng thực thể sau:
Triệu chứng của hẹp đường thở: đặc trưng là ran rít (wheezing).
- Tắc nghẽn đường thở mức độ nhẹ, ran rít chỉ nghe thấy ở cuối thì hít vào cố. Tắc nghẽn trung bình, ran rít 1 hoặc 2 thì, đa âm (polyphonic wheeze). Tắc nghẽn nặng, ran rít có thể có rất ít hoặc không.
- Tắc nghẽn đường thở nhỏ, không thấy ran rít.
Triệu chứng của gắng sức hô hấp:
- Tăng tần số thở, tắc nghẽn nặng tần số thở có thể không tăng. Thở ra kéo dài, thở gấp, ngắn.
- Co rút cơ hô hấp phụ.
- Nói khó, ngắt quãng.
Triệu chứng của rối loạn thông khí và khuếch tán khí:
- Rì rào phế nang giảm, có khi mất (phổi câm ) trong tắc nghẽn đường thở nặng.
- Tím tái da và niêm mạc: là dấu hiệu nặng của đợt bùng phát.
- Lo lắng, sợ hãi do giảm oxy ở não.
Triệu chứng của căng giãn phổi và tim mạch:
- Đợt bùng phát nhẹ thì hình dạng lồng ngực bình thường.
- Đợt bùng phát nặng, dai dẳng, lồng ngực có thể căng vồng, hình thùng tạm thời hoặc cố định. Hen phế quản lâu năm có thể gây gù vẹo cột sống.
- Tăng nhịp tim, có thể có triệu chứng của tâm phế cấp hoặc mạn tính.
- Có thể có mạch đảo (pulsus paradoxus): là dấu hiệu của đợt bùng phát nặng.
4. BIẾN CHỨNG
– Tràn khí màng phổi, trung thất: gặp 5%, dễ chẩn đoán nhầm, tràn khí màng phổi hai bên rất dễ nguy cơ gây tử vong ở bệnh nhân hen phế quản.
– Nhiễm khuẩn phổi – phế quản: thường do virus hoặc vi khuẩn (lao phổi), hay gặp ở hen phế quản mạn tính, khó thở liên tục.
– Xẹp phổi: hay gặp ở trẻ em (30%).
– Tâm phế mạn, khí thũng phổi: hay gặp ở hen phế quản mạn tính, nặng.
– Suy hô hấp mạn tính, biến dạng lồng ngực
– Biến chứng của điều trị: hội chứng giả cushing do điều trị corticoid.
5. BỆNH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Hen phế quản không lây lan từ người này sang người khác. Bệnh liên quan đến cơ địa của bệnh nhân cũng như có tính chất di truyền. Việc kiểm soát hen tốt sẽ giúp bệnh nhân giảm cơn hen phế quản cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hen phế quản rất nguy hiểm, diễn biến nhanh có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Người bệnh khi lên cơn hen không thể hít đủ không khí để cung cấp oxy cho cơ thể. Nếu không có thuốc cắt cơn hen hoặc không được can thiệp cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp, hôn mê, mất ý thức, thậm chí tử vong. Do đó những loại thuốc có tác dụng nhanh chóng được các bác sĩ khuyên dùng là albuterol (Ventolin HFA, ProAir HFA,…).
6. PHÒNG NGỪA
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân dị ứng như bụi nhà, lông động vật, phấn hoa…. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Không nuôi chó, mèo, các con thú khác trong nhà.
- Bệnh nhân dị ứng với loại thực phẩm nào thì cần tránh ăn uống loại thực phẩm đó.
- Phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp.
- Tránh lo âu, căng thẳng quá mức.
- Khi đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin và các thuốc chống viêm nonsteroid vì dễ gây nên cơn hen phế quản cấp.
- Chủ động tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm phòng phế cầu, vắc xin phòng COVID-19; Đi khám chuyên khoa hô hấp để được tư vấn mức độ nặng – nhẹ của bệnh và có phác đồ điều trị dự phòng phù hợ
Khi đã được chẩn đoán mắc hen phế quản, người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng một số loại thuốc như aspirin và các thuốc chống viêm nonsteroid để hạn chế tác dụng phụ của thuốc;
7. CHẨN ĐOÁN
Các triệu chứng lâm sàng: bệnh nhân thường vào viện vì các triệu chứng của một cơn hen phế quản cấp.
Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ căn cứ vào lý do vào viện của bệnh nhân cùng các triệu chứng khai thác được, từ đó định hướng chẩn đoán và tiến hành khám lâm sàng. Việc này không chỉ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh mà còn giúp loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm đường hô hấp,…
Đo chức năng hô hấp: Bệnh nhân sẽ được làm Hô hấp kí, đo lưu lượng đỉnh trước và sau khi sử dụng thuốc giãn phế quản. Nếu chức năng phổi cải thiện sau khi dùng thuốc giãn phế quản thì bệnh nhân có khả năng cao bị hen phế quản.
Chẩn đoán hình ảnh: X-Quang ngực hay CT Scan có thể cho những hình ảnh bất thường trong bệnh hen phế quản.
Một số xét nghiệm khác: Xét nghiệm Methacholin, xét nghiệm NO, xét nghiệm bạch cầu ưa acid trong đàm,… có thể hữu ích trong một số trường hợp.
8. ĐIỀU TRỊ
Hen phế quản được điều trị như thế nào?
Bệnh hen phế quản khó có thể khỏi hoàn toàn; tuy nhiên, nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị thì hen có thể được kiểm soát. Việc phối hợp giữa biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc là cần thiết để có thể ngăn chặn được những cơn hen phế quản cấp.
Nội khoa
Thuốc kiểm soát hen phế quản dài hạn: Coticosteroid dạng hít, thuốc kích thích beta tác dụng kéo dài, thuốc đường hít kết hợp, Leukotrien, Theophylin,... Đây là biện pháp chính trong điều trị hen phế quản, giúp kiểm soát hen hàng ngày và hạn chế xuất hiện cơn hen cấp.
Thuốc cắt cơn tác dụng nhanh: có thể sử dụng thuốc kích thích beta tác dụng ngắn, Coticosteroid đường uống/tiêm tĩnh mạch hoặc Ipratropium,… để cải thiện các triệu chứng của cơn hen phế quản cấp ngay lập tức.
Các phương pháp vật lí: châm cứu, bấm huyệt, dưỡng sinh, rửa phế quản. Thường dùng phối hợp với điều trị bằng thuốc, hiệu quả chưa được đánh giá rõ ràng.
Phương pháp ngoại khoa: cắt bỏ tiểu thể cảnh, bóc vỏ cuống phổi. Các phương pháp này chưa có cơ sở rõ ràng, hiện nay không sử dụng.
Phương pháp điều trị miễn dịch (immunotherapy – còn gọi là phương pháp điều trị giảm mẫn cảm đặc hiệu): dùng các dị nguyên gây dị ứng phổ biến (hay dùng bụi nhà) điều trị (đường dưới da hay dưới lưỡi) với liều nhỏ, tăng dần sẽ tạo nên kháng thể lớp IgG cạnh tranh với IgE làm giảm các triệu chứng, giảm số lần bùng phát. Tuy nhiên triệu chứng dễ tái phát sau ngừng điều trị giảm mẫn cảm.
Lối sống: Tập thể dục đều đặn, vừa phải, Ăn uống hợp lý, bổ sung trái cây và rau xanh, ăn nhiều vitamin C, E, A, selen.
Phòng tránh các yếu tố dễ gây khởi phát cơn hen như: tránh tiếp xúc khói bụi, thường xuyên vệ sinh nhà ở sạch sẽ, …
9. CÂU HỎI HAY GẶP
Hen phế quản có bị lây không?
Bệnh nhân có thể băn khoăn liệu hen phế quản có thể lây cho gia đình và những người xung quanh? Tuy nhiên, hen phế quản không phải là một bệnh truyền nhiễm, không do virus hay vi khuẩn gây ra, nên nó không lây truyền từ người này sang người khác. Các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân không làm lây lan bệnh hen phế quản.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, mặc dù bệnh hen phế quản không lây lan, nhưng nó lại có tính chất di truyền. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh hen phế quản (chẳng hạn như bố mẹ mắc hen) sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://www.vinmec.com/vi/benh/hen-phe-quan-2949/