1. UNG THƯ VÚ LÀ GÌ?
Ung thư vú là tình trạng bệnh lý do tế bào tuyến vú phát triển không kiểm soát được, tạo ra các khối u ác tính, có khả năng xâm lấn xung quanh và di căn xa. Ung thư vú là bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Hãy cùng tìm hiểu nguy cơ, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị ung thư vú.
Bình thường, các tế bào tuyến vú được sinh ra và mất đi theo một chu trình đã được lập từ trước. Cơ chế này giúp số lượng tế bào tuyến vú được sinh ra với số lượng vừa đủ, cân bằng giữa số lượng tế bào sinh ra và tế bào chết đi. Khi có các đột biến gen xảy ra, hội tụ đủ các điều kiện đặc biệt để vượt qua được hệ thống kiểm soát miễn dịch của cơ thể, tế bào tuyến vú sẽ được sinh ra liên tục, mất kiểm soát và tạo thành các khối u bao gồm rất nhiều tế bào không bình thường. Đó là các khối u ác tính tại vú, hay còn gọi là ung thư vú
Con số thống kê về bệnh
Ung thư vú cũng nằm trong danh sách các loại ung thư nguy hiểm nhất. Điều này là do tính phổ biến của loại ung thư này, ở Mỹ, cứ 8 phụ nữ thì có 1 người bị ung thư vú, con số này thấp hơn ở nam giới với tỷ lệ 1/1000.
Tỷ lệ người mắc ung thư vú còn sống sau 5 năm kể từ khi phát hiện bệnh ở giai đoạn I là xấp xỉ 100%, ở giai đoạn II là 93%, ở giai đoạn III là 72% và 22% trong giai đoạn IV.
Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng hơn 15.230 phụ nữ mới mắc và hơn 6.100 người tử vong do ung thư vú. Ở nam giới, ung thư vú hiếm khoảng 1% các trường hợp ung thư.
2. NGUYÊN NHÂN
Yếu tố di truyền: trong gia đình nếu có bà, mẹ hay chị gái mắc ung thư vú thì tỷ lệ mắc ung thư vú của cá nhân đó sẽ cao hơn. Phần lớn các trường hợp ung thư vú do di truyền thường từ 2 gen BRCA1 và BRCA2. Những phụ nữ có đột biến gen BRCA1 và/hoặc BRCA2 có thể có đến 80% nguy cơ mắc bệnh.
Người từng bị ung thư như ung thư buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao.
Phụ nữ dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người khác. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone.
Béo phì cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nguyên nhân là do phụ nữ bị béo phì thường sản sinh ra nhiều estrogen hơn so với phụ nữ khác. Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư vú mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và các bệnh ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư gan,…
Lối sống và sinh hoạt thiếu khoa học: Chế độ ăn uống nhiều calo trong khi cơ thể lười vận động sẽ làm lượng mỡ thừa trong cơ thể tăng cao dẫn đến béo phì và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Ngoài ra, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, căng thẳng kéo dài cũng dễ dẫn đến ung thư vú.
Dùng hormone thay thế như estrogen và progesteron để điều trị các triệu chứng mãn kinh cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao.
Phơi nhiễm phóng xạ: Tuy lượng phơi nhiễm từ tia X là rất thấp nhưng nữ giới cũng cần hạn chế tiếp xúc với môi trường phóng xạ để tránh nguy cơ mắc bệnh.
3.1. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
1.Triệu chứng toàn thân
Giai đoạn sớm triệu chứng toàn thân cũng không rõ ràng, bệnh nhân có thể mệt mỏi, ăn kém, sút cân nhẹ. Khi bệnh lan tràn di căn xa các triệu chứng tăng lên rõ rệt như mệt mỏi nhiều, sút cân nhiều, một số bệnh nhân có thể sốt nhẹ.
2. Triệu chứng thực thể
Triệu chứng tại chỗ, tại vùng:
* Khối u vú: khoảng 90% triệu chứng đầu tiên của bệnh UTV là có khối u ở vú. Vị trí thường gặp là ở ¼ trên ngoài. Giai đoạn sớm khối u nhỏ, dễ bỏ sót khi thăm khám lâm sàng, đặc biệt ở những bệnh nhân có tuyến vú to. Khối u thường cứng, chắc, giai đoạn đầu có thể còn di động, giai đoạn sau khi u xâm lấn ra xung quanh khối u có thể di động hạn chế hoặc không di động.
* Thay đổi da trên vị trí khối u: Dính da là một triệu chứng lâm sàng quan trọng giúp chẩn đoán ung thư vú. Khi khối u xâm lấn rộng ra da có thể gây đỏ nóng da vùng u, có khi đỏ nóng toàn bộ vú như trong ung thư vú thể viêm hoặc sần da cam
* Thay đổi hình dạng núm vú: khi khối u gần núm vú, có thể xâm lấn gây dính, co kéo, lệch núm vú. Một số trường hợp UTV (Paget núm vú) gây loét núm vú, lúc đầu thường chẩn đoán nhầm là chàm.
* Chảy dịch đầu vú: một số bệnh nhân có thể đến thăm khám vì chảy dịch núm vú, thường là dịch máu, nhưng cũng có thể là dịch không màu, dịch nhày. Xét nghiệm tế bào học dịch từ núm vú có thể tìm thấy tế bào ung thư.
* Hạch nách sưng, đau: đôi khi hạch nách sưng to là triệu chứng đầu tiên phát hiện ung thư vú. Với bệnh nhân giai đoạn sớm có thể khám thấy hạch nách nhỏ, còn di động, không đau. Bệnh nhân đến với giai đoạn muộn hơn có thể sờ thấy nhiều hạch nách lổn nhổn, ấn đau.
3.2. BIẾN CHỨNG UNG THƯ VÚ
Các biến chứng nghiêm trọng nhất của ung thư vú di căn là khi một số tế bào từ khối u vỡ ra và di chuyển đến các khu vực khác của cơ thể, có thể thông qua máu hoặc mạch bạch huyết – xâm nhập vào các mô. Khi các tế bào ung thư vú di căn, đó là phổ biến nhất là các hạch bạch huyết, phổi, gan, xương, não, và da. Nó có thể mất nhiều năm để di căn, thậm chí cả sau khi khối u vú được chẩn đoán và điều trị, trước khi ung thư đã lan rộng từ khối u ban đầu xuất hiện.
4. BỆNH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Ung thư vú là một trong những bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong cho người mắc phải, đặc biệt là nữ giới. Bệnh hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu phát hiện sớm. Thực hiện tầm soát định kỳ là cách để bảo vệ bản thân khỏi căn bệnh nguy hiểm này
5. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Bệnh ung thư vú xảy ra chủ yếu ở phụ nữ sau độ tuổi mãn kinh.
- Phụ nữ ở độ tuổi 45 - 50. Phụ nữ mãn kinh muộn sau 55 tuổi và có kinh sớm trước 10 tuổi. - Phụ nữ không có con hoặc có con đầu lòng khi trên 35 tuổi, không cho con bú. Những người đã bị ung thư vú một bên.
6. PHÒNG NGỪA
Chị em nên thực hiện các biện pháp sau:
Ăn nhiều rau củ quả: Những loại rau họ cải như bắp cải, bông cải xanh, cải xoăn… có khả năng giảm 20 - 40% tỷ lệ mắc ung thư vú vì trong các loại rau họ cải rất giàu glucosinolate. Hoạt chất này có khả năng ức chế sự gia tăng tế bào và ngăn ngừa sự hình thành khối u ở vú.
Hạn chế đồ uống có cồn: Việc tiêu thụ nhiều thức uống có cồn làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú vì lượng cồn tăng cao sẽ tăng kích thích sản xuất estrogen, tạo thuận lợi cho sự phân chia tế bào. Do đó chúng ta cần hạn chế rượu bia, đồ uống có ga.
Bỏ thuốc lá: Những phụ nữ hút thuốc làm tăng 30% nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt hút trước tuổi 20 và ít nhất 20 điếu mỗi ngày. Để phòng ngừa ung thư vú, chị em cần tránh hút thuốc lá và hít phải khói thuốc lá thụ động.
Thường xuyên kiểm tra ngực là biện pháp được bác sĩ khuyến cáo để kịp phát hiện dấu hiệu của ung thư vú ngay tại nhà.
Tập thể dục là một cách giúp bảo vệ và phòng ngừa ung thư vú rất hiệu quả vì nó làm giảm nguy cơ béo phì của cơ thể.
Khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra bất thường ở vú và điều trị kịp thời.
7. CHẨN ĐOÁN
Chụp X-quang tuyến vú (mammography), Siêu âm tuyến vú: Giúp phát hiện các tổn thương vú
Chụp cộng hưởng từ tuyến vú (MRI): Đánh giá kích thước, mức độ xâm lấn u
Chọc hút tế bào các tổn thương của tuyến vú bằng kim nhỏ (Fine Needle Aspiration- FNA), sinh thiết kim (core biopsy), phẫu thuật sinh thiết
X quang phổi, siêu âm bụng, CT ngực, CT bụng: đánh giá di căn gan, phổi…
Xạ hình xương: đánh giá di căn xương
PET-CT: giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương di căn mà CT hay MRI chưa rõ ràng
Các xét nghiệm khác: Xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, đông máu cơ bản, Chất chỉ điểm ung thư vú CA15-3: có giá trị theo dõi và tiên lượng
8. ĐIỀU TRỊ
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng trong ung thư vú, giúp loại bỏ khối u. Có các phương phẫu thuật như cắt tuyến vú vét hạch nách, cắt tuyến vú tiết kiệm da, cắt tuyến vú bảo tồn quầng núm, phẫu thuật bảo tồn kết hợp với các kỹ thuật tái tạo.
- Tạo hình và tái tạo tuyến vú cho bệnh nhân UTV: đây là nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người bệnh trong những năm gần đây. Có nhiều biện pháp tạo hình, tái tạo tuyến vú như sử dụng chất liệu độn (implant), sử dụng các vạt da cơ có cuống hay vạt da cơ tự do với kỹ thuật vi phẫu. Việc chỉ định loại phẫu thuật này cần được đưa ra bởi bác sỹ chuyên ngành ung bướu sau khi đã có đánh giá tổng thể toàn diện các vấn đề liên quan đến tiên lượng bệnh ung thư và chất lượng sống của người bệnh.
- Phẫu thuật sạch sẽ, phẫu thuật triệu chứng: đối với giai đoạn muộn.
2. Điều trị toàn thân
- Hóa trị: là phương pháp điều trị quan trọng trong ung thư vú giúp tiêu diệt cá tế bào di căn còn sót lại sau phẫu thuật, hóa trị trước mổ giúp BN từ không mổ được trở thành có thể mổ được, hóa trị sau mổ có vai trò bổ trợ phòng tái phát di căn, hay hóa trị trong trường hợp ung thư vú tái phát di căn giúp kéo dài sự sống, giảm các triệu chứng cho người bệnh..
- Điều trị nội tiết: được áp dụng cho các trường hợp UTV có thụ thể nội tiết dương tính, thời gian điều trị có thể kéo dài 5 năm hoặc 10 năm. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả và ít tác dụng phụ.
- Điều trị đích: là phương pháp điều trị tiên tiến, các thuốc điều trị nhắm vào đích là tế bào ung thư do vậy rất ít tác dụng phụ, tuy nhiên giá thành còn cao do vậy nhiều BN còn chưa tiếp cận được. Các thuốc phổ biến như: Các thuốc kháng thể đơn dòng: Các thuốc kháng Her2 nếu Bệnh nhân có Her2 dương tính: Trastuzumab, Pertuzumab (Perjeta), Ado-trastuzumab emtansine (Kadcyla). Thuốc ức chế enzym Tyrosin kinase: Lapatinib, Neratinib, Tucatinib. Thuốc kháng CDK 4/6: Palbociclib (Ibrance), Ribociclib (Kisqali), Abemaciclib (Verzenio), bệnh nhân có đột biến PIK3CA: Alpelisib, bệnh nhân có đột biến BRCA1, BRCA2: Olaparib, Talazoparib.
- Điều trị miễn dịch: là phương pháp dùng các thuốc tác động vào hệ miễn dịch của cơ thể, giúp hệ miễn dịch nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư, đây cũng là phương pháp điều trị tiên tiến và giá thành cao, nhiều BN chưa tiếp cận được, các thuốc điều trị như: Pembrolizumab, Atezolizumab. Hiện tại cả hai thuốc trên đều đã được áp dụng điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội.
3. Xạ trị
Xạ trị đóng vai trò bổ trợ trong ung thư vú giúp phòng tái phát tại chỗ, tại vùng sau phẫu thuật triệt căn, và xạ trị giảm đau, giảm chèn ép trong trường hợp tái phát di căn. Các phương pháp xạ trị bao gồm:
- Xạ trị chiếu ngoài tại diện u và hạch vùng
- Xạ trị áp sát: Cấy hạt phóng xạ vào khối u hoặc diện u trong các trường hợp không phẫu thuật triệt căn được hoặc bệnh lý kèm theo không thể phẫu thuật hay bệnh nhân nhất định từ chối phẫu thuật.
- Xạ trị trong mổ (Intraoperative Radiation Therapy: IORT): IORT là một kỹ thuật đặc biệt có thể cung cấp một liều xạ trị duy nhất, tập trung cao liều bức xạ tại nền khối u sau phẫu thuật hoặc phần còn lại của khối u không thể phẫu thuật được, các khối u tái phát, di căn.
- Xạ trị giảm đau, chống chèn ép: với BN ung thư vú tái phát di căn
9. CÂU HỎI HAY GẶP
1. Tỷ lệ sống sót là bao nhiêu?
Khi được chẩn đoán mắc bệnh, bệnh nhân thường lo lắng và quan tâm nhất là vấn đề “ung thư vú sống được bao lâu”. Theo các chuyên gia cho biết, tỷ lệ sống tương đối tổng thể trong 5 năm đối với bệnh ung thư vú là 90%.
2. Bệnh có di truyền không?
Nếu bạn có tiền sử gia đình rõ ràng về ung thư vú hoặc các bệnh ung thư khác, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm máu để xác định các đột biến đặc hiệu trong BRCA hoặc các gen khác đang được di truyền trong gia đình bạn. Theo thống kê, có khoảng 5 - 10 % bệnh nhân ung thư vú có liên quan đến đột biến gen được truyền qua các thế hệ trong một gia đình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://benhvienk.vn/yeu-to-nguy-co-gay-ung-thu-vu-va-cach-phong-ngua-nd58735.html
https://benhvienk.vn/nguy-co-trieu-chung-chan-doan-dieu-tri-ung-thu-vu-nd91219.html
Bên trên là những thông tin tổng quan về căn bệnh ung thư vú, hy vọng đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích.