1. UNG THƯ THẬN LÀ GÌ?
Ung thư thận là ung thư có tỷ lệ mắc đứng thứ 9 ở người trưởng thành và đứng thứ 3 trong ung thư hệ tiết niệu (sau ung thư tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang) nhưng lại là ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Bệnh thường gặp ở nam giới với tỷ lệ nam/nữ = 2/1. Nhóm tuổi cao nhất bị bệnh là 60-70 tuổi. Ung thư thận rất hiếm gặp ở bệnh nhân dưới 50 tuổi.
Tuy nhiên vẫn gặp các trường hợp ung thư thận ở trẻ em. Bệnh chiếm 5% các trường hợp ung thư ở trẻ nhỏ. Lứa tuổi hay gặp nhất từ 3-4 tuổi, trong đó khoảng 1-2% có tính chất gia đình (Bệnh di truyền). Ung thư thận ở trẻ em thường kết hợp với nhiều dị tật bẩm sinh như dị tật tiết niệu, tật không mống mắt hay phì đại nửa người…
2. NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân ung thư thận hiện nay chưa được biết rõ.
Một số yếu tố nguy cơ của ung thư thận:
- Hút thuốc lá: hút thuốc lá tăng nguy cơ mắc ung thư thận gấp 2 lần
- Tiếp xúc hóa chất độc hại: công nhân tiếp xúc với các hóa chất như thuốc nhuộm aniline hay kim loại nặng có nguy cơ mắc ung thư thận cao hơn
- Béo phì: người béo phì có nguy cơ bị ung thư thận cao hơn.
- Bệnh thận giai đoạn cuối có lọc máu
- Sử dụng thuốc giảm đau kéo dài như Paracetamol hay NSAID (ví dụ: Ibuprofen, Aspirin)
- Ung thư thận di truyền: chiếm nhỏ hơn 5% tổng số bệnh nhân ung thư thận. Một số hội chứng có thể dẫn đến ung thư thận như hội chứng von Hippel-Lindau (VHL syndrome), hội chứng Birt-Hogg-Dube hay bệnh xơ hóa củ.
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Triệu chứng của ung thư thận được biểu hiện bởi tam chứng cổ điển: tiểu máu, khối u vùng thắt lưng và đau.
Tiểu máu: nước tiểu có màu hồng, nâu hoặc thay đổi màu nhẹ. Nếu lượng máu ít không thể quan sát thấy bằng mắt thường mà chỉ phát hiện được trên xét nghiệm phân tích nước tiểu.
Đau vùng thắt lưng: đau thường xuất phát ở một bên sườn và vùng hông lưng. Đau âm ỉ, liên tục và kéo dài, cũng có trường hợp đau dữ dội.
Khối u vùng bụng: bệnh nhân có thể tự sờ tay lên bụng và cảm nhận thấy khối u. Tuy nhiên đa số các khối u thận ở sâu trong ổ bụng nên khó sờ thấy, chỉ có thể phát hiện trên chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính.
Ngoài ra còn một số triệu chứng không đặc hiệu sau:
- Mệt mỏi, thiếu máu
- Sút cân đột ngột không rõ nguyên nhân
- Sốt
4. Các giai đoạn của ung thư thận
Ung thư thận có 4 giai đoạn
Ung thư thận giai đoạn đầu: khối u vẫn nằm trong thận, chưa có các dấu hiệu lâm sàng điển hình, bệnh nhân có thể có đái máu vi thể (không nhìn được bằng mắt thường, phải xác định qua xét nghiệm) nhưng khó sờ thấy u trên lâm sàng
Khối u ung thư ở giai đoạn 1 là ở giai đoạn sớm nhất, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân sau 5 năm cao nhất. Trong giai đoạn này, khối u tương đối nhỏ và chỉ xuất hiện ở một bên thận. Bác sĩ có thể cắt bỏ phần thận bị ung thư. Triển vọng phục hồi sau phẫu thuật tương đối tốt. Người bệnh có tỷ lệ sống sót sau 5 năm lên đến 81%. Do đó, bạn nên duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm để sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường của sức khỏe.
Ung thư thận giai đoạn 2: khối u bắt đầu phát triển nhưng vẫn khu trú trong thận. Bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng. Bác sĩ có thể cắt phần thận bị ung thư hoặc cắt bỏ toàn bộ thận. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 74%.
Ung thư thận giai đoạn 3: ung thư đã xâm lấn các vùng lân cận như mô quanh thận, tuyến thượng thận, các tĩnh mạch lớn.
Nếu sức khoẻ bệnh nhân chịu đựng được phẫu thuật thì có thể tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ thận và nạo vét các hạch lympho. Tỷ lệ sốt sót sau 5 năm của bệnh nhân 53%.
Ung thư thận giai đoạn cuối: ung thư di căn tới các bộ phận khác của cơ thể, bệnh nhân mệt mỏi, suy kiệt dần dần.
Giai đoạn ung thư di căn thường diễn biến với mức độ phức tạp và nguy hiểm. Phương pháp điều trị cho người bệnh lúc này chú trọng giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế sự di căn của khối u. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm trong giai đoạn III còn 8%. Tùy vào sự đáp ứng của bệnh nhân trong quá trình điều trị mà thời gian sống của mỗi người sẽ có sự khác biệt.
5. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Ung thư thận không phải là loại ung thư phổ biến. Một số đối tượng nguy cơ của ung thư thận:
- Nam giới hút thuốc lá nhiều năm
- Người béo phì
- Người làm việc trong môi trường độc hại hóa chất công nghiệp, kim loại nặng.
- Người sử dụng thuốc giảm đau kéo dài.
- Có người thân bị mắc ung thư thận, đặc biệt mắc ung thư thận ở trẻ em.
6. PHÒNG NGỪA
Vì chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ung thư thận nên chưa có các biện pháp phòng ngừa đặc hiệu.
Có một số biện pháp sau:
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế tối đa sử dụng thuốc kích thích
- Tập luyện thể dục thể thao
- An toàn bảo hộ lao động đúng quy định
- Điều quan trọng là cần đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm.
7. CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán ung thư thận dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.
Các xét nghiệm trong chẩn đoán ung thư thận:
1.Xét nghiệm nước tiểu: tổng phân tích nước tiểu giúp phát hiện có máu trong nước tiểu hay không?
2. Cắt lớp vi tính ổ bụng: chụp cắt lớp vi tính có thuốc cản quang giúp đánh giá các tính chất của ung thư thận: vị trí, số lượng, kích thước, tình trạng xâm lấn xung quanh và di căn xa
3. Sinh thiết thận hoặc chọc tế bào: lấy một mảnh mô thận nghi ngờ bằng dụng cụ chuyên dụng rồi gửi làm xét nghiệm tế bào hoặc giải phẫu bệnh
4. Chụp X quang phổi: phát hiện di căn phổi
5. Chụp xạ hình xương: phát hiện di căn xương
8. ĐIỀU TRỊ
Điều trị ung thư thận dựa vào giai đoạn bệnh.
Ung thư thận giai đoạn sớm (1,2):
- Phẫu thuật: tùy vào tính chất khối u chỉ định cắt bán phần hoặc toàn bộ thận có hay không có cắt tuyến thượng thận.
- Có thể sử dụng kỹ thuật điều trị xâm lấn tối thiểu bằng nhiệt giúp tiêu diệt khối u.
Ung thư thận giai đoạn 3:
- Cắt khối u thận kèm theo điều trị toàn thân bổ trợ.
- Cắt bỏ khối u di căn xa (nếu có thể) giúp cải thiện triệu chứng lâm sàng
Ung thư thận giai đoạn cuối:
- Điều trị phẫu thuật giải phóng chèn ép nếu có
- Xạ trị giảm đau, xạ trị chống chèn ép
- Điều trị giảm đau
- Điều trị đích và điều trị miễn dịch
9. CÂU HỎI HAY GẶP
Phương pháp nâng cao tỷ lệ sống cho bệnh nhân
1. Theo dõi chăm sóc, tái khám bác sĩ
Khi đã hoàn thành điều trị, bác sĩ vẫn sẽ theo dõi sát sao tình trạng bệnh. Bệnh nhân cần tái khám thường xuyên, thông báo ngay cho bác sĩ về những triệu chứng bất thường. Bởi đó có thể là do ung thư tái phát hay do bệnh ung thư mới gây ra.
Tùy theo vào giai đoạn ung thư, phương pháp điều trị và khả năng tái phát, tần suất tái khám và xét nghiệm của mỗi người bệnh sẽ có sự khác biệt. Trong giai đoạn I, bệnh nhân nên tái khám sức khỏe mỗi 1-3 tháng một lần trong vài năm đầu sau điều trị. Vào những giai đoạn sau, bệnh nhân cần tái khám 3 – 6 tháng một lần trong 3 năm đầu, sau đó là mỗi năm một lần.
2. Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tăng sự thèm ăn ở bệnh nhân ung thư. Quá trình điều trị bệnh có thể khiến bạn mệt mỏi, không muốn ăn uống. Tuy nhiên, thiếu hụt calo sẽ đẩy nhanh quá trình giảm cân, hạn chế năng lượng. Do đó, để cải thiện sức khỏe, áp dụng chế độ dinh dưỡng phù hợp thể trạng là điều mà bất kỳ người bệnh nào cũng cần ưu tiên.
Bạn nên ăn nhiều trái cây và rau quả. Vì những thực phẩm này chứa chất oxy hóa, vitamin, khoáng chất hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của hệ miễn dịch, làm chậm quá trình tiến triển bệnh. Một số thực phẩm chứa chất béo có lợi như cá hồi, thịt nạc, dầu ô-liu, bơ, ngũ cốc nguyên hạt… cũng nên được đưa vào thực đơn hằng ngày của người bệnh.
3. Bỏ hút thuốc
Thận có nhiệm vụ lọc chất độc và chất thải ra khỏi máu. Trong khi, thuốc lá chứa rất nhiều độc tố. Khi hút thuốc, thận của bạn sẽ phải làm việc nhiều hơn. Vì thế, để cải thiện chức năng thận, người bệnh cần từ bỏ ngay thói quen hút thuốc.
4. Duy trì tập luyện
Kết hợp một số hoạt động nhẹ nhàng vào sinh hoạt hằng ngày có thể mang lại những tác động tích cực đến sức khỏe của người bệnh. Thường xuyên rèn luyện cơ thể sẽ hỗ trợ cải thiện mức năng lượng, xây dựng sức khỏe và tăng cường khả năng chịu đựng.
Hơn thế nữa, tập luyện còn giúp tăng khả năng miễn dịch. Khi hệ thống miễn dịch vững mạnh, cơ thể sẽ chống lại bệnh ung thư và tình trạng nhiễm trùng tốt hơn.
5. Giảm nguy cơ nhiễm trùng
Một số phương pháp điều trị có thể khiến hệ miễn dịch của bệnh nhân suy yếu. Để hạn chế nguy cơ tái phát ung thư, bạn nên trao đổi với bác sĩ nhằm tìm ra phương án điều trị phù hợp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://www.vinmec.com/vi/benh/ung-thu-than-3069/
https://tamanhhospital.vn/ung-thu-than-song-duoc-bao-lau/
Bên trên là những thông tin tổng quan về căn bệnh ung thư thận hy vọng đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích.