1. SỐT PHÁT BAN LÀ GÌ?
Sốt phát ban biểu hiện một tình trạng nóng sốt kết hợp với nổi các đốm đỏ ẩn hoặc nhô lên bề mặt da thường do virus gây ra
Bệnh thường không nguy hiểm và sẽ giảm triệu chứng cũng như hồi phục hoàn toàn nếu được nghỉ ngơi và điều trị đầy đủ
Hiếm gặp hơn, khi triệu chứng sốt quá cao có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm
Có 2 loại sốt phát ban phổ biến là: ban đỏ và ban đào
2. NGUYÊN NHÂN
Sốt phát ban có lây không? Câu trả lời là có. Sốt phát ban là bệnh lây nhiễm do virus human herpes 6 hoặc trong một số trường hợp là do virus human herpes 7 gây ra. Virus lây từ người sang người thông qua tiếp xúc cơ thể với người nhiễm bệnh hoặc các vật dụng cá nhân của họ. Ví dụ như, một đứa trẻ khỏe mạnh có thể sẽ nhiễm virus nếu dùng chung cốc với trẻ khác bị bệnh. Bệnh không lây truyền qua giao tiếp.
Người lớn chưa từng bệnh nếu tiếp xúc với trẻ bị sốt phát ban có thể sẽ ảnh hưởng về sau. Tuy nhiên, đối với người lớn khỏe mạnh, bệnh sẽ không nặng. Nếu không bị phát ban hoặc chỉ sốt nhẹ, bạn vẫn có nguy cơ nhiễm virus qua con cái của mình và các thành viên khác trong gia đình thông qua dịch tiết hô hấp hoặc nước bọt.
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Triệu chứng sốt phát ban thường xuất hiện vào tuần thứ nhất hoặc thứ 2 sau khi mắc bệnh. Sốt ban đỏ ở trẻ em đôi khi có thể không thấy hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên bệnh thường biểu hiện với hai triệu chứng chính:
Sốt: đây là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh, thường là sốt cao trên 39,4°C ngay khi nhiễm bệnh. Đối với sốt phát ban ở trẻ nhỏ có thể có các triệu chứng đi kèm như ho, viêm họng, sổ mũi hoặc các hạch bạch huyết sưng lên ở phần cổ của trẻ. Sốt thường diễn tiến trong 3-5 ngày
Phát ban: triệu chứng phát ban có thể đến sau các cơn sốt, da bệnh nhân sẽ xuất hiện các đốm đỏ nhỏ bằng hoặc sưng lên. Một số đốm có thể có một vòng màu trắng bao quanh. Sốt ban đỏ ở trẻ em sẽ lan rộng từ từ bắt đầu từ vùng ngực, lưng, bụng cho tới cổ và cánh tay, có trường hợp không lan đến chân và mặt. Những vết ban này sẽ biến mất sau vài giờ hoặc vài ngày mà không gây bất kì sự khó chịu nào cho trẻ.
Ngoài 2 triệu chứng điển hình còn có một số dấu hiệu khác có thể thấy như:
- Khó chịu, quấy khóc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Tiêu chảy mức độ nhẹ
- Chán ăn
- Sưng mí mắt
4. BIẾN CHỨNG
Sốt phát ban ít khi gây ra biến chứng nào đáng kể. Nếu không có bệnh gì khác, thường là trẻ em và người lớn bị sốt phát ban sẽ bình phục nhanh chóng. Vậy biến chứng sốt phát ban là gì nữa, và có gây ảnh hưởng đến người bệnh nhiều hay không?
Trẻ có thể bị giật kinh nếu nhiệt độ tăng nhanh bất thình lình. Nếu bị giựt kinh, em sẽ bất tỉnh, tay chân giựt, mắt trợn lên khoảng vài phút. Nên cho em đi khám bệnh ngay. Nhưng cũng may mắn là chứng giựt kinh do sốt cao thường không gây ra tai hại gì cho em cả.
Tuy nhiên, những người có hệ miễn nhiễm bị yếu đi, thí dụ như những bệnh nhân sau khi được ghép tủy hay cơ quan khác, có thể mắc bệnh sốt phát ban mới hay bị bệnh cũ tái phát. Trường hợp này, họ sẽ bị nặng hơn và lâu bình phục hơn. Họ cũng có thể bị biến chứng sưng phổi hay viêm não, rất nguy hiểm.
5. BỆNH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Sốt phát ban thường không gây nguy hiểm và hầu hết đều có đáp ứng tốt nếu chăm sóc và điều trị kịp thời. Vì vậy ngay khi vừa bùng phát các triệu chứng của bệnh, bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và khắc phục trong thời gian sớm nhất.
6. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Những ai thường mắc bệnh sốt phát ban?
Bệnh sốt phát ban vô cùng phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi và hiếm gặp ở trẻ trên 4 tuổi. Phần lớn trẻ bị nhiễm sốt phát ban khi đi nhà trẻ. Đôi khi, sốt phát ban ở người lớn cũng xảy ra. Hãy tham khảo với ý kiến của bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt phát ban?
Trẻ nhỏ khi đi mẫu giáo thường là đối tượng dễ nhiễm virus nhất vì hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện. Hơn nữa, trong cùng một môi trường lớp học có thể làm tăng nguy cơ lây lan virus từ trẻ này sang trẻ khác. Phần lớn các trường hợp mắc bệnh là trẻ từ 6 đến 15 tháng tuổi.
7. PHÒNG NGỪA
Cách ly trẻ bệnh, để trẻ bệnh ở nhà vì nhà trẻ, mẫu giáo, trường học là môi trường rất dễ lây lan của bệnh
Hiện nay vẫn chưa có vaccine phòng sốt phát ban nên cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh là tránh để trẻ tiếp xúc với người bệnh
Rửa tay sạch sẽ luôn là phương pháp hữu hiệu để phòng ngừa các bệnh có nguyên nhân do virus. Vậy nên cần hướng dẫn các thành viên trong gia đình thường xuyên rửa tay thật sạch để tránh nguồn bệnh
Bổ sung trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng chống lại virus
8. CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán bệnh sốt phát ban chủ yếu vẫn dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh với triệu chứng chính là sốt cao trên 39,4°C kèm phát ban hồng hoặc đốm xuất hiện trên ngực, bụng và lưng trước khi lan rộng đến hai tay và cổ, ban kéo dài vài ngày.
Bên cạnh đó có thể làm xét nghiệm máu để kiểm tra kháng thể chống lại sốt phát ban
9. ĐIỀU TRỊ
Nếu các triệu chứng không nặng thì sốt phát ban có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên cần chú ý nếu có một số biểu hiện sau cần đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị:
Trẻ sốt không kiểm soát được nhiệt độ dù đã dùng thuốc hạ sốt
- Phát ban không chuyển biến tốt sau 3 ngày
- Trẻ dưới 6 tháng tuổi
- Cha mẹ nghi ngờ trẻ mất nước do tiêu chảy
10. CÂU HỎI HAY GẶP
1. Bệnh nên ăn uống như thế nào khi bị sốt ?
- Sữa và các chế phẩm từ sữa
- Rau xanh, củ quả và trái cây giàu vitamin C
- Món ăn dễ tiêu
- Nước
- Thực phẩm giàu dinh dưỡng
2. Bệnh nên kiêng gì?
Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung, người bệnh sốt phát ban cần kiêng những thực phẩm để tránh tình trạng bệnh diễn biến xấu hơn.
- Thực phẩm cay nóng: Các thực phẩm cay nóng khiến dạ dày bị viêm loét, hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả từ đó khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Cần loại bỏ thực phẩm này ra khỏi thực đơn hàng ngày vì chúng không hề tốt với hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ.
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Các thực phẩm chế biến sẵn nhiều dầu mỡ khiến hệ tiêu hóa phải làm việc quá sức khiến tình trạng bệnh càng thêm trầm trọng.
- Đồ ăn quá ngọt, mặn: Các loại bánh kẹo, đồ ăn chế biến sẵn chứa nhiều muối không tốt cho sức khỏe, tiêu hóa khó cần loại bỏ khỏi thực đơn của người bệnh.
- Đồ uống có ga: Loại đồ uống này dễ khiến trẻ đầy bụng, khó tiêu, ăn kém không tốt cho cơ thể và làm chậm quá trình hồi phục bệnh.
- Nước lạnh: Không nên uống nước lạnh đặc biệt là nước đá vì nước lạnh có tính hàn khi vào cơ thể khiến tình trạng sốt kéo dài và lâu hồi phục, bệnh diễn biến trầm trọng hơn.
- Trứng: Là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe. Nhưng khi bị sốt phát ban cần phải kiêng trứng vì trong trứng nhiều protein khi vào cơ thể sinh nhiều nhiệt lượng khiến tình trạng sốt càng trở nên nặng hơn khiến người bệnh càng cảm thấy khó chịu, bí bách.
3. Tự chăm sóc ?
Khi đã hiểu cụ thể sốt phát ban là gì, bạn sẽ có thể tự mình đã ra hướng chăm sóc thích hợp trong trường hợp gia đình có người bị bệnh. Thường thì chúng ta không cần làm gì cả, chỉ chờ cho hết bệnh. Tuy nhiên, sốt cao có thể làm cho em bé khó chịu, cha mẹ có thể cho em uống thuốc acetaminophen (Tylenol) hay ibuprofen (Advil, Motrin..) để giảm bớt sốt. Không nên cho em uống aspirin vì có thể làm em dễ bị chứng Reye’s syndrome là một bệnh nặng. Nên cho em bé uống nhiều nước, nằm nghỉ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Roseola.
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/roseola/basics/definition/con-20023511.
Roseola – topic overview.
http://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/tc/roseola-topic-overview#1.