1. GIỚI THIỆU BỆNH
Bệnh sốt siêu vi hay còn được gọi với tên khác là sốt virus, nguyên nhân là do nhiễm phải nhiều loại virus (hay siêu vi trùng). Đây được xem là một bệnh cấp tính, hay gặp ở người lớn tuổi có hệ miễn dịch yếu và cũng thường xuyên gặp ở trẻ em.
Hiện nay, có rất nhiều chủng loại virus gây nên bệnh sốt siêu vi này, trong đó có những loại tiêu biểu như Adenovirus, Rhinovirus, Enterovirus,... Tùy thuộc vào mỗi chủng loại mà sẽ gây ra những bệnh khác nhau. Mặc khác, tuy có nhiều chủng khác nhau nhưng triệu chứng bệnh thì khá tương đương.
2. NGUYÊN NHÂN
Sốt siêu vi nguyên nhân chủ yếu là do các loại virus khác nhau, trong đó có các loại virus điển hình có thể kể đến như: Rhinovirus, Coronavirus, Adenovirus, Enterovirus hay virus cúm. Những tác nhân này có thể gây nên nhiều loại sốt siêu vi khác nhau.
Thời điểm giao mùa khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hay từ lạnh sang nóng ẩm là thời điểm lưu hành phổ biến nhất của sốt siêu vi ở trẻ em
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Sốt: Biểu hiện hay gặp nhất của bệnh sốt siêu vi đó là tình trạng sốt cao, nhiệt độ đo được từ 38 - 39 độ C, thậm chí có trường hợp lên đến 40 - 41 độ C.
Đau đầu: Đau đầu cũng là một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh này, người bệnh sẽ cảm thấy có cảm giác chao đảo, quay cuồng kèm theo đó là những cơn đau nhức ở đầu dữ dội. Nguyên nhân là do sốt cao nên mạch máu căng ra, tuần hoàn máu mạnh hơn. Cảm giác sờ vào huyệt thái dương của người bệnh sẽ thấy thái dương đập rất mạnh.
Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ cảm thấy đau mỏi mắt, choáng váng và nằm co sấp lại.
Với những trường hợp trẻ em thì một số bé tuy đau đầu nhưng có thể vẫn tỉnh táo. Người bệnh bị sốt siêu vi thì tai có xu hướng bị chảy mủ và ngứa hơn những lúc bình thường.
Viêm hô hấp: Bên cạnh đau đầu và sốt thì bệnh cũng có nhiều biểu hiện trên đường hô hấp như hắt hơi, chảy nước mũi, sổ mũi, ho, viêm họng,…
Nôn: Ở trẻ có thể gặp tình trạng nôn nhiều lần và thường hay xảy ra sau khi ăn. Còn người lớn thì cũng có thể nôn mửa chủ yếu do bị kích thích chất nhầy, viêm họng,…
Phát ban: Tình trạng này thường xảy ra sau khi sốt khoảng 2 đến 3 ngày, khi bệnh đã phát bạn có nghĩa là bạn sẽ đỡ sốt do thời kỳ ủ bệnh, phát bệnh đã qua.
Mình mẩy đau nhức: Ở trẻ nhỏ thường sẽ xảy ra tình trạng quấy khóc, trẻ lớn hơn thì sẽ kêu đau khắp mình mẩy. Người lớn đôi khi cũng có thể gặp triệu chứng này.
Rối loạn tiêu hóa: Nếu nguyên nhân là do virus ở đường tiêu hóa thì sẽ xuất hiện sớm triệu chứng này, đôi khi cũng có thể muộn hơn vài ngày sau khi tình trạng sốt cao xảy ra. Biểu hiện sẽ là tiêu chảy, phân không có màu hay chất nhầy.
4. BỆNH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Phần lớn sốt siêu vi không gây nguy hiểm và có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh tiến triển nhanh chóng, người bệnh cần nhập viện theo dõi, nếu chậm trễ có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là trẻ em.
5. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Bệnh sốt siêu vi hay gặp nhất vào những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, đây là môi trường thuận lợi cho virus phát triển và dễ gây bệnh nhất. Thông thường, thời gian kéo dài của bệnh từ 7 đến 10 ngày, nếu không gặp biến chứng gì nguy hiểm và kết hợp điều trị kịp lúc, tích cực thì bệnh sẽ thuyên giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, cũng không được chủ quan về bệnh này do quá trình diễn biến của bệnh xảy ra khá nhanh. Phải được chữa trị kịp thời và đúng cách nếu không thì có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em.
6. PHÒNG NGỪA
Ở độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi, có thể cho trẻ tiêm ngừa hàng năm để hạn chế nguy cơ mắc bệnh
Trong đời sống hằng ngày cần lưu ý một số biện pháp phòng ngừa sốt siêu vi ở trẻ như:
- Có chế độ dinh dưỡng khoa học giúp trẻ phát triển và nâng cao hệ miễn dịch cũng như tăng cường sức đề kháng
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, cho trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để ngăn chặn virus lây lan, không để trẻ cho đồ chơi vào miệng
- Vệ sinh nhà cửa và môi trường giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân có hại
- Cách ly trẻ khỏi người bệnh hết mức có thể đặc biệt là những người trong gia đình đang bị cảm lạnh, ho, tiêu chảy hoặc nôn mửa
7. CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán sốt siêu vi thường dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác, tuy nhiên có thể nghi ngờ khi trẻ có một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Cảm lạnh, ho, viêm họng, chảy mũi hay nghẹt mũi
- Đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi
- Nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng
8. ĐIỀU TRỊ
Hầu hết với bệnh này vẫn chưa có thuốc trị đặc hiệu, do đó việc điều trị chủ yếu sẽ tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng xảy ra. Các phương pháp thường được áp dụng là.
Hạ sốt
Với trẻ nếu sốt trên 38,5 độ thì chỉ hạ sốt đơn thuần. Bên cạnh đó kết hợp thêm các biện pháp như lau mồ hôi, chườm ấm, lau mình cho trẻ bằng khăn ấm, mặc quần áo mỏng, thoáng,…
Bù nước và điện giải
Tích cực bù nước và điện giải để hạn chế các tình trạng mất nước do sốt cao hay rối loạn cân bằng điện giải, nên dùng các loại thuốc như là Oresol hay ăn thêm cháo muối loãng cũng là một biện pháp tốt.
Chống trường hợp bội nhiễm
Để tránh bội nhiễm với các loại vi khuẩn đường hô hấp, nên vệ sinh thật sạch sẽ, nhỏ mũi bằng dung dịch NaCl 0,9% kèm nhỏ mắt.
Dinh dưỡng
Nên ăn những chất dễ tiêu như cháo, hay các đồ uống trái cây giàu chất dinh dưỡng.
Vệ sinh
Luôn giữ vệ sinh sạch sẽ cho cơ thể, lau người bằng nước ấm.
Đặc biệt, với trẻ em thì phải luôn theo dõi nhiệt độ của con mình, nên lập tức đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất nếu có biểu hiện sốt trên 38 độ C dài ngày và không đáp ứng với thuốc hạ sốt. Các trường hợp li bì, nôn nhiều lần, co giật, đau đầu liên tục, sốt cao trên 3 ngày cũng nhanh chóng đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế để được chữa trị kịp thời.
9. CÂU HỎI HAY GẶP
Bệnh sốt siêu vi lây lan qua đường nào?
Bệnh này lây lan chủ yếu theo đường tiêu hóa và hô hấp qua các hoạt động thường ngày như ăn uống, nói chuyện hay tiếp xúc trực tiếp với dịch nhầy hoặc nước bọt của bệnh nhân. Đa phần sẽ lây lan qua dịch tiết bắn ra lúc ho, hắt hơi hay trò chuyện. Cũng chính vì những điểm đó mà sốt siêu vi có thể nhanh chóng lây lan và tạo thành dịch bệnh.
Ngoài ra, bệnh sốt siêu vi còn có thể lây lan một cách gián tiếp thông qua những vật dụng ở các nơi công cộng như là đồ chơi trẻ em, tay nắm cửa hay chỗ vịn cầu thang. Một số trường hợp ngoại lệ cũng có thể lây qua đường máu thông qua tiêm chích, mẹ truyền cho con lúc sinh hay truyền máu.
Lưu ý rằng bệnh sốt siêu vi có thể lây lan thành dịch, do đó cần cách ly và luôn giữ ấm cơ thể cho bé. Lúc trẻ bị ốm thì xin phép trường học cho nghỉ, không nên đến trường để tránh tình trạng lây lan cho các bạn nhỏ khác.
Với trường hợp người lớn cũng vậy, bệnh này có thể lây lan từ người này sang người kia, do đó nếu trong nhà có người lớn bị bệnh thì tránh tiếp xúc với trẻ nhỏ.
Sốt siêu vi ở người lớn kéo dài mấy ngày thì khỏi?
Đối với vấn đề “Sốt siêu vi kéo dài bao lâu” thì trong đa số các trường hợp, thường người lớn sẽ bị nhiễm virus kéo dài hơn và nặng nề hơn so với trẻ em. Vì khi bị ốm, người lớn thường có thái độ chủ quan, chần chờ, không chịu điều trị một cách nghiêm túc, vì nghĩ rằng đó chỉ là cảm sốt bình thường. Vì vậy nên nhiều người đang nhiễm virus nhưng vẫn đi làm, vẫn sinh hoạt với mọi người bình thường, khiến cho bệnh nhanh chóng lây lan. Hơn nữa, chế độ ăn uống thất thường cùng với nhiều yếu tố chủ quan khác nhau sẽ làm cơ thể bị suy sụp nhanh chóng.
Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp sốt siêu vi ở người lớn đều không quá nguy hiểm và có thể tự hết trong vòng 5 – 7 ngày, cao nhất là 10 ngày, nếu được xử lý và chăm sóc tốt.
Người lớn bị sốt siêu vi có cần đi viện không?
Đối với sốt siêu vi nhẹ, người lớn có thể tự điều trị tại nhà bằng cách sử dụng thuốc hạ sốt, bổ sung vitamin C và cân bằng điện giải. Đối với bệnh nặng, cần đưa người bệnh đi khám, xét nghiệm, chẩn đoán để có phác đồ điều trị thích hợp, kịp thời.
Khi mắc bệnh sốt siêu vi, người lớn nên ưu tiên cho việc nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, ăn thức ăn dễ tiêu, bổ sung nước và điện giải đầy đủ, tránh tiếp xúc với những người xung quanh. Đặc biệt, khi nhận thấy những biểu hiện của bệnh, nên tìm cách xử lý ngay lập tức hoặc đến bác sĩ kiểm tra, tránh thái độ chủ quan, để xảy ra những biến chứng sau này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://medlatec.vn/tin-tuc/sot-sieu-vi-cac-trieu-chung-thuong-gap-va-cach-dieu-tri-s195-n19851