Một thống kê chỉ ra: bệnh sốt rét cướp đi sinh mạng của hơn 400.000 người mỗi năm trên thế giới. Và được nằm trong danh sách những loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây nên nhiều hệ lụy đối với sức khỏe con người. Cụ thể bệnh gây những hậu quả gì và tại sao lại dẫn đến bệnh? Hãy cùng Hyoki tìm hiểu để có những biện pháp phòng tránh và chữa trị ngay khi phát hiện!
1.GIỚI THIỆU BỆNH
Sốt rét là bệnh do ký sinh trùng Plasmodium gây ra với các triệu chứng đau đầu, sốt, lạnh run và dễ tử vong. Người mắc bệnh sau khi bị muỗi Anophen đốt từ 10 -15 ngày. Bệnh có thể lây truyền qua đường truyền máu, mẹ sang con, dùng chung bơm kim tiêm dính máu có ký sinh trùng sốt rét hoặc bị muỗi đốt.
Thống kê về bệnh
Sốt rét là bệnh đe dọa đến tính mạng do ký sinh trùng, bệnh được truyền sang người khi bị muỗi cái Anophele nhiễm ký sinh trùng đốt. Trong năm 2017, ước tính có khoảng 219 triệu ca sốt rét ở 90 quốc gia, và 435 000 ca tử vong do sốt rét.
Tại Việt Nam bệnh sốt rét hoành hành quanh năm. Đầu và cuối mùa mưa ở các tỉnh rừng núi phía Bắc là mùa cao điểm của sốt rét. Tương tự ở các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ, sốt rét gây bệnh trong suốt mùa mưa.
2. NGUYÊN NHÂN
Tác nhân chủ yếu gây ra sốt rét là loài ký sinh trùng sốt rét thuộc chi Plasmodium. Có 5 loài ký sinh trùng thuộc chi này truyền nhiễm bệnh sốt rét ở người, bao gồm:
- Plasmodium falciparum: cực kỳ nguy hiểm.
- Plasmodium malariae: gây bệnh nhưng nguy cơ tử vong thấp hơn.
- Plasmodium ovale: cũng gây bệnh nhưng ít biến chứng tử vong.
- Plasmodium vivax: nguy hiểm ngang với loài Plasmodium falciparum.
- Plasmodium knowlesi: gây sốt rét trên loài khỉ, thường hoạt động ở khu vực Đông Nam Á nhưng vẫn có thể lây bệnh cho con người.
Trung gian chứa ký sinh trùng gây bệnh là muỗi Anopheles. Các loài ký sinh trùng chỉ tồn tại trong cơ thể của muỗi và trong máu người chứ không lưu lạc tự do bên ngoài môi trường. Tổng cộng có tới hơn 422 loài muỗi Anopheles, trong đó có 40 loài là trung gian chính truyền bệnh sốt rét.
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Biểu hiện của sốt rét thông thường
Sốt rét thông thường là khi bệnh nhân chưa xuất hiện các biến chứng và được nhận diện thông qua các dấu hiệu sau:
- Cơn sốt sơ nhiễm: người bệnh phát giác cơn sốt đầu tiên và thường không đặc trưng, bệnh nhân có thể bị sốt cao kéo dài trong khoảng vài ngày.
- Cơn sốt điển hình: người bệnh trải qua 3 giai đoạn của một cơn sốt rét điển hình:
+ Rét run: toàn thân rét run, nổi da gà, môi tái và giai đoạn này kéo dài từ 30 phút tới 2 giờ đồng hồ.
+ Sốt nóng: tình trạng rét run giảm dần, thay vào đó cơ thể nóng lên, đo nhiệt độ có thể lên tới 40 - 41 độ C kèm theo các biểu hiện như thở nhanh, mặt đỏ, mạch nhanh, khát nước, đau đầu, da khô nóng, cảm thấy đau tức nhẹ vùng gan lách. Thời gian kéo dài của giai đoạn này là từ 1 - 3 giờ.
+ Vã mồ hôi: thân nhiệt hạ nhanh, khát nước, mạch bình thường, giảm nhức đầu, vã mồ hôi, cảm thấy dễ chịu hơn.
- Cơn sốt thể cụt: hay gặp ở những bệnh nhân đã từng bị sốt rét nhiều năm trước đó. Đặc điểm là chỉ thấy rét run, sốt không thành cơn và mỗi lần sẽ bị sốt trong khoảng 1 - 2 giờ.
- Thể ký sinh trùng lạnh: hay còn gọi là người lành chứa ký sinh trùng, khi xét nghiệm máu những bệnh nhân này phát hiện thấy có ký sinh trùng nhưng không có biểu hiện sốt. Người bệnh vẫn có khả năng lao động cũng như sinh hoạt bình thường. Thể ký sinh trùng lạnh gặp nhiều ở các khu vực có dịch tễ bệnh sốt rét nặng.
- Mỗi loại ký sinh trùng sẽ gây nên các chu kỳ sốt rét khác nhau, ví dụ như:
- Sốt do Plasmodium vivax: cứ cách 1 ngày lại lên cơn sốt 1 lần.
- Sốt do Plasmodium falciparum: loại này rất nguy hiểm, gây sốt liên tục hàng ngày và cơn sốt thường có tính chất nghiêm trọng, ác tính, nếu không có biện pháp xử lý thì nguy cơ tử vong cao.
- Sốt do Plasmodium ovale và Plasmodium malariae: cách 3 ngày lại sốt 1 cơn.
Các dấu hiệu của sốt rét ác tính
Sốt rét ác tính là khi bệnh nhân đã bộc lộ các biến chứng:
- Thể não: đây là triệu chứng chiếm tới 80 - 95% trong số các ca bị sốt rét ác tính
+ Rối loạn ý thức (mê sảng, li bì hoặc vật vã, nói nhảm), mất ngủ nhiều, sốt cao liên tục, đầu đau nhức dữ dội, nôn mửa hoặc thường xuyên bị tiêu chảy.
+ Hội chứng tâm thần: hôn mê (đột ngột hoặc xảy ra từ từ, dần chìm vào hôn mê sâu), co giật giống như bị động kinh, rối loạn cơ vòng, giãn đồng tử.
+ Suy thận, đi tiểu ít hoặc vô niệu, nồng độ ure huyết cao, tán huyết ồ ạt gây tiểu huyết sắc tố.
+ Biến chứng tử vong của thể não khá cao có thể lên tới 20 - 50%
- Thể giá lạnh: huyết áp giảm, ra nhiều mô hôi, toàn thân lạnh, da xanh tái, đau đầu.
- Thể tiểu huyết sắc tố: nguyên nhân là do hiện tượng tán huyết ồ ạt với diễn biến nặng, có thể gây nên suy thận, truỵ tim mạch. Các biểu hiện điển hình bao gồm:
+ Bệnh nhân sốt dữ dội theo từng cơn.
+ Nôn khan hoặc nôn ra dịch màu vàng kèm theo đau lưng.
+ Vàng niêm mạc, vàng da.
+ Nước tiểu màu nâu đỏ, sau chuyển thành màu nước vối đặc hoặc có màu cà phê, tiểu ít dần hoặc vô niệu.
+ Huyết sắc tố và hồng cầu giảm mạnh.
+ Thiếu oxy, thiếu máu cấp.
- Thể gan mật:
+ Da và mắt chuyển màu vàng.
+ Nước tiểu và phân màu vàng chứa nhiều muối mật.
+ Buồn nôn và nôn.
+ Rơi vào hôn mê.
- Thể phổi:
+ Bệnh bị thở nhanh, khó thở, tím tái.
+ Khạc ra bọt có màu hồng.
+ Đáy phổi xuất hiện nhiều ran ngáy, ran ẩm.
- Thể tiêu hoá: nôn mửa, đau bụng, hạ thân nhiệt, tiêu chảy cấp.
- Sốt rét ở trẻ em:
+ Những trẻ trên 6 tháng tuổi có nguy cơ cao mắc sốt rét vì không còn khả năng được bảo vệ bởi hệ miễn dịch của mẹ.
+ Biểu hiện khi trẻ bị sốt rét: nôn, bụng chướng, tiêu chảy, sốt cao liên tục, dấu hiệu màng não thậm chí co giật, gan lách to và khả năng tử vong cao.
- Sốt rét ở phụ nữ có thai: đây là đối tượng dễ gặp sốt rét ác tính và nguy cơ cao sẽ dẫn tới sảy thai, thai lưu hoặc bị sinh non.
- Sốt rét bẩm sinh:
+ Tình trạng này khá hiếm gặp, thường là do mẹ bị sốt rét khi mang thai khiến cho tế bào nhau thai bị tổn thương.
+ Trẻ có biểu hiện sốt rét ngay khi chào đời: sốt, quấy khóc, gan lách to, vàng da.
4. BIẾN CHỨNG
Bệnh sốt rét gây biến chứng đến các vùng phủ tạng: phổi, gan, hệ tiêu hóa,…
Tình trạng sốt rét ở trẻ em có nguy cơ tử vong rất cao. Các bé không chỉ chịu đựng những cơn sốt cao liên tục, nôn mửa, chướng bụng, tiêu chảy, có các dấu hiệu màng não và co giật.
5. BỆNH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Sốt rét là một căn bệnh khá nguy hiểm có thể gây tử vong trong thời gian ngắn (từ vài giờ đến vài ngày). Sự tấn công của ký sinh trùng gây bệnh có thể khiến bệnh nhân bị cạn kiệt sức lực và ảnh hưởng đến mọi hoạt động sinh sống hàng ngày.
6. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Mặc dù bệnh sốt rét có thể xuất hiện ở bất kỳ đối tượng nào, thế nhưng những đối tượng thuộc nhóm sau đây lại có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và khả năng điều trị khỏi cũng thấp hơn: Sống trong môi trường ẩm thấp, mất vệ sinh, phải làm việc trong môi trường rừng rú hay đồng cỏ thường xuyên, những người không có điều kiện khám chữa bệnh hay thậm chí ăn uống còn khó khăn,…
Các nhân tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh
- Di cư, đi công tác hoặc du lịch tới những vùng sốt rét đang hoành hành.
- Điều kiện kinh tế, xã hội và trình độ dân trí thấp không được phổ biến rộng rãi kiến thức về bệnh sốt rét.
- Tập quán lên rừng canh tác nương rẫy, ngủ qua đêm trên rừng.
7. PHÒNG NGỪA
- Sử dụng thuốc diệt côn trùng tẩm vào các màn và rèm hiện có trong nhà.
- Hạn chế muỗi đốt
Để hạn chế tối đa nguy cơ bị muỗi đốt, bạn hãy thực hiện những cách phòng tránh dưới đây:
- Diệt muỗi bằng các biện pháp dân gian như đập muỗi, dùng vợt điện, đèn bắt muỗi.
- Mặc quần áo dài tay, mang vớ chân khi trời tối hoặc khi làm việc trong rừng rẫy.
- Ngủ mùng sớm vào lúc 8 giờ tối để tránh giờ hoạt động cao nhất của muỗi Anopheles, tốt nhất ngủ trong màn tẩm hóa chất phòng chống bệnh sốt rét.
- Dùng hương tinh dầu xua muỗi, hun khói.
- Dùng loại cây có mùi thơm chống muỗi như lá cây long não.
- Sử dụng kem xua muỗi khi sinh hoạt hoặc làm việc ban đêm trong rừng, rẫy.
- Loại bỏ nơi sinh sống của muỗi là cách phòng tránh bệnh sốt rét hữu hiệu
Thực hiện những cách sau đây để muỗi không còn nơi ẩn nấp và sinh sản:
- Làm vệ sinh môi trường quanh nhà, phát quang bụi rậm, khai thông cống rãnh để thoát hết nước, lấp các vũng nước đọng, đậy nắp chum vại, vớt cỏ cây hai bên bờ khe suối để bọ gậy không có nơi trú ẩn.
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên, sắp xếp đồ đạc, quần áo ngăn nắp, gọn gàng.
- Dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà, sinh sống ở nơi xa rừng, xa nguồn nước để muỗi không bay vào nhà đốt người.
8. CHẨN ĐOÁN
Sốt rét ác tính được xác định bằng sự hiện diện của một trong các đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm sau đây. Sốt rét nặng thường gây ra bởi P. falciparum.
Tiêu chuẩn lâm sàng của bệnh sốt rét ác tính:
- Hội chứng suy hô hấp cấp tính/phù phổi cấp
- Chảy máu
- Hôn mê và Suy giảm Ý thức
- Vàng da
- Động kinh (tái phát)
- Sốc
Tiêu chuẩn xét nghiệm sốt rét nặng:
- Thiếu máu (nặng: <7 g/dl="" [70="">
- Đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC)
- Đái huyết sắc tố
- Nhiễm toan chuyển hóa
- Mật độ ký sinh trùng > 5%
- Suy thận
9. ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc điều trị
Các nguyên tắc cần được áp dụng để phản ứng nhanh đối với bệnh sốt rét:
- Điều trị sớm, đúng, đủ liều;
- Điều trị cắt cơn sốt và chống bệnh lây lan rộng (Sốt do P.falciparum) và điều trị tiệt căn (sốt do P.vivax, P. ovale);
- Đối với bệnh nhân sốt do P.falciparum thì phải dùng thuốc sốt rét phối hợp nhằm hạn chế sự kháng thuốc và tăng hiệu quả điều trị;
- Những trường hợp bị sốt rét ác tính thì chuyển về đơn vị hồi sức cấp cứu tại bệnh viện tuyến huyện trở lên. Trong thời gian này bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ và hồi sức tích cực, nâng cao thể trạng.
Điều trị sốt rét thông thường
Đối với thể thông thường, bác sĩ sẽ dựa trên chẩn đoán và lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp, như:
Thuốc điều trị ưu tiên:
Trường hợp bị sốt rét do P.falciparum: Dihydroartemisinin - Piperaquine phosphat uống 3 ngày và Primaquin 0,5 mg bazơ/kg liều duy nhất;
Nếu bị sốt rét phối hợp có P.falciparum: Dihydroartemisinin - Piperaquine phosphat uống 3 ngày và Primaquin 0,25 mg bazơ/kg x 14 ngày;
Trường hợp sốt rét do P.vivax: Chloroquin uống 3 ngày và Primaquin 0,25 mg bazơ/kg/ngày x 14 ngày.
Thuốc điều trị thay thế:
Điều trị trong 07 ngày với Quinine và Doxycyclin;
Đối với phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi: điều trị trong 7 ngày với Quinin và Clindamycin.
Điều trị sốt rét ác tính
Áp dụng phương pháp điều trị đặc hiệu bằng cách sử dụng Quinin hoặc Artesunat tiêm theo thứ tự ưu tiên như sau:
Artesunat tiêm: 2,4 mg/kg tiêm cho liều giờ đầu, vào giờ thứ 12 (ngày đầu) tiêm nhắc lại 2,4 mg/kg. Sau đó mỗi ngày tiêm 1 liều 2,4 mg/kg cho đến khi người bệnh tỉnh, có thể uống được, chuyển sang thuốc Dihydroartemisinin - Piperaquin phosphat dùng cho 3 ngày.
Quinin dihydrochloride: 8 giờ đầu tiêm hoặc truyền tĩnh mạch với liều 20 mg/kg, sau đó 8 giờ tiếp theo dùng 10 mg/kg, cho đến khi tỉnh thì chuyển uống Quinin sulfat + Doxycyclin cho đủ 7 ngày hoặc Dihydroartemisinin - Piperaquin phosphat với liều 3 ngày.
Điều trị hỗ trợ
Khi bị sốt cao, cần phải hạ nhiệt bằng cách:
Cho người bệnh chườm mát;
Dùng thuốc hạ nhiệt cơ thể;
Xử lý sốc, cắt cơn co giật bằng Diazepam.
10. CÂU HỎI HAY GẶP
1. Khi nên cơn sốt cần làm gì?
Cách tốt nhất để thấy dễ chịu là dùng khăn ấm lau toàn thân, lau nhiều ở trán, 2 hóc nách, bẹn, thay khăn 2-3 phút/lần để giúp hạ nhiệt nhanh.
Ngoài ra, người lớn khi bị sốt cao cần uống nhiều nước để làm mát cơ thể, ngăn ngừa mất nước; ăn thức ăn nhẹ dễ tiêu hoá; nghỉ ngơi, thư giãn; mặc quần áo thoáng mát.
Trường hợp sốt cao gây co giật, sốt trên 41 độ, mất ý thức, khó thở, đau dữ dội hoặc sưng viêm một bộ phận nào đó trong cơ thể, sốt cao trên 2 ngày không đỡ, nôn mửa, đi tiểu có máu... cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
2. Mẹo dân gian chữa sốt rét
Cách chữa bệnh sốt rét tại nhà bằng chanh
Theo đó, bạn chỉ cần lấy một quả chanh tươi, rửa sạch, thái thành từng lát mỏng. Sau đó dùng các lát chanh để chà nhẹ lên trán, khuỷu tay và dọc sống lưng. Thực hiện trong khoảng 5 phút thì ngừng lại. Sử dụng cách này 2 lần một ngày để đạt kết quả tốt nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://medlatec.vn/tin-tuc/bien-chung-nguy-hiem-co-the-xay-ra-tu-benh-sot-ret-la-gi-s94-n22413#:~:text=B%E1%BB%87nh%20s%E1%BB%91t%20r%C3%A9t%20g%C3%A2y%20bi%E1%BA%BFn,m%C3%A0ng%20n%C3%A3o%20v%C3%A0%20co%20gi%E1%BA%ADt.
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/cach-phong-tranh-benh-sot-ret/