Với mỗi cơ thể, huyết áp vào ban ngày thường sẽ cao hơn ban đêm. Và có xu hướng hạ xuống thấp nhất vào khoảng từ 1 - 3 giờ sáng, thời gian con người ngủ say nhất và huyết áp sẽ tăng cao nhất vào khoảng 8 – 10 giờ sáng. Đặc biệt, khi vận động thể lực gắng sức, căng thẳng thần kinh hoặc khi trải qua các xúc động mạnh đều có thể làm cho huyết áp tăng lên. Ngược lại, khi cơ thể nghỉ ngơi, thư giãn, huyết áp có thể sẽ hạ xuống.
1. HUYẾT ÁP LÀ GÌ?
Huyết áp là áp lực cần thiết tác động lên thành của động mạch để đưa máu từ tim đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Huyết áp được tạo ra do lực co bóp của cơ tim và sức cản của thành động mạch.
Nhiệt độ lạnh gây co mạch hoặc một số thuốc co mạch, thuốc tác động lên lực co bóp cơ tim, ăn mặn... có thể làm huyết áp tăng lên. Ở môi trường nhiệt độ nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi, tiêu chảy mất nước hoặc dùng thuốc giãn mạch... có thể gây hạ huyết áp.
Đơn vị đo huyết áp là gì?
Huyết áp được đo bằng đơn vị mi-li-mét thủy ngân (mmHg), được xác định bằng hai chỉ số, thường được viết dưới dạng một tỷ số.
2. CHỈ SỐ HUYẾT ÁP
Chỉ số huyết áp bình thường theo phân loại của Hội tim mạch và huyết áp Châu âu (ESC/ESH) năm 2018:
Huyết áp bình thường được xác định khi:
- Huyết áp tâm thu từ 90 mmHg đến 129 mmHg.
- Huyết áp tâm trương: Từ 60 mmHg đến 84 mmHg.
Huyết áp thấp:
- Huyết áp thấp khi chỉ số huyết áp tâm thu < 90 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương < 60 mmHg.
- Huyết áp thấp dẫn tới máu không cung cấp đủ cho sự hoạt động các cơ quan nhất là những cơ quan ở xa và trên cao như não có thể có biểu hiện như: hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn....
Huyết áp cao:
Tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây các bệnh như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận... làm cho hàng trăm nghìn người bị liệt, tàn phế hoặc mất sức lao động mỗi năm. Các bệnh tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong số một tại Việt Nam, chiếm tới 33% tổng số ca tử vong toàn quốc. Năm 2009 tỷ lệ cao huyết áp ở người từ 25 tuổi trở lên là 25,1%.
Phân độ tăng huyết áp theo Hội tim mạch và huyết áp Châu âu (ESC/ESH) năm 2018:
Huyết áp tối ưu: Huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương < 80 mmHg.
Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu 120-129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80-84 mmHg.
Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm thu 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85-89 mmHg.
Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90-99 mmHg.
Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu 160-179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100-109 mmHg.
Tăng huyết áp độ 3: Huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg.
Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.
3.NGUYÊN NHÂN
Huyết áp không ổn định thường xảy ra từ các tình huống khiến bạn lo lắng hoặc căng thẳng, ví dụ như huyết áp của bạn sẽ tăng cao trước khi tham gia một ca phẫu thuật nào đó. Sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối (natri) hoặc tiêu thụ nhiều caffeine cũng là một yếu tố có thể khiến huyết áp cao hơn mức bình thường.
Một số người hay bị tăng huyết áp khi đi khám bệnh vì họ quá lo lắng về kết quả của buổi khám. Các chuyên gia gọi trường hợp này là tăng huyết áp áo choàng trắng hoặc hội chứng áo choàng trắng.
4. TRIỆU CHỨNG
Khi huyết áp không ổn định, bạn chưa chắc sẽ bắt gặp những triệu chứng rõ rệt. Một số dấu hiệu bạn có thể mắc như:
- Đau đầu
- Tim đập nhanh
- Mặt đỏ ửng
- Ù tai
5. BIẾN CHỨNG
Tăng huyết áp tạm thời có thể tạo áp lực trực tiếp cho tim và các cơ quan khác. Nếu tình trạng huyết áp huyết áp lúc cao lúc thấp xảy ra thường xuyên, nó không chỉ ảnh hưởng đến tim mà còn gây tổn thương cho thận, mạch máu và mắt.
Huyết áp dao động liên tục có thể đặc biệt nguy hiểm đối với những người mắc bệnh lý về tim hoặc máu từ trước, chẳng hạn như đau thắt ngực, phình động mạch não hoặc phình động mạch chủ.
Trước đây, các chuyên gia tin rằng huyết áp không ổn định không gây ra nhiều biến chứng phức tạp và nghiêm trọng như các loại cao huyết áp khác. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nếu không điều trị sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với những người tiếp nhận liệu trình điều trị.
Cùng với bệnh tim, các nghiên cứu khác đã phát hiện ra những người không điều trị huyết áp không ổn định có nguy cơ cao gặp phải:
- Tổn thương thận
- Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)
- Đột quỵ
6. CÁC BỆNH VỀ HUYẾT ÁP CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Tình trạng huyết áp tăng giảm thất thường thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng ngay lập tức. Huyết áp sẽ trở lại mức bình thường sau một khoảng thời gian ngắn căng thẳng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng huyết áp bất thường không được điều trị có thể gây ra vấn đề lâu dài về sau. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đau tim, các vấn đề về tim mạch và tổn thương nội tạng theo thời gian.
Vì huyết áp không ổn định thường xảy ra do lo lắng quá mức, cho nên điều quan trọng là bạn phải kiểm soát sự lo lắng của mình bằng thuốc hoặc các kỹ thuật thư giãn để ngăn ngừa tình trạng này.
7. PHÒNG NGỪA
Để ngăn ngừa huyết áp lên xuống thất thường, bạn có thể thử một hoặc nhiều cách sau:
- Bỏ hút thuốc
- Hạn chế ăn những món ăn có nhiều muối
- Hạn chế caffeine cũng như cồn
- Kiểm soát mức độ căng thẳng của bạn bằng cách tập thể dục, thiền, thở sâu, yoga hoặc massage. Đây đều là những kỹ thuật giúp giảm căng thẳng đã được các chuyên gia công nhận hiệu quả
- Sử dụng thuốc chống lo âu hoặc các loại thuốc hay phương pháp điều trị khác theo chỉ định của bác sĩ.
8. ĐIỀU TRỊ
Không có tiêu chí cụ thể nào để điều trị huyết áp không ổn định. Bác sĩ sẽ muốn giám sát huyết áp của bạn trong vòng 24 giờ để xem mức độ thường xuyên và phạm vi huyết áp dao động.
Các loại thuốc thường được sử dụng để kiểm soát huyết áp như thuốc lợi tiểu hay thuốc ức chế ACE có thể không hiệu quả trong quá trình điều trị huyết áp không ổn định. Do đó, bác sĩ sẽ kê toa thuốc chống lo âu nếu cần thiết, để giúp kiểm soát lo lắng và căng thẳng. Sau đây là một số ví dụ về các loại thuốc chống lo âu giúp điều trị lo âu tạm thời bao gồm:
- Alprazolam
- Clonazepam
- Diazepam
- Lorazepam
Bên cạnh đó, các thuốc chống lo âu điều trị trong thời gian dài cần được dùng mỗi ngày, bao gồm các loại như paroxetine, sertraline, escitalopram và citalopram.
Thuốc chẹn beta là nhóm thuốc thông dụng trong việc điều trị các loại tăng huyết áp khác. Loại thuốc này cũng có thể hữu ích trong liệu pháp điều trị của cả huyết áp không ổn định và tăng huyết áp kịch phát nhờ tương tác tốt với hệ thống thần kinh giao cảm.
Trong trường hợp này, thuốc chẹn beta không được sử dụng để hạ huyết áp mà để giảm các triệu chứng như đỏ bừng mặt, tim đập nhanh hoặc đau đầu. Bác sĩ sẽ kê đơn cho bạn sử dụng chúng kết hợp với các loại thuốc chống căng thẳng. Một số tên thuốc chẹn beta phổ biến gồm:
- Atenolol
- Bisoprolol
- Nadolol
- Betaxolol
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://hellobacsi.com/benh-tim-mach/cao-huyet-ap-tang-huyet-ap/tong-quan-ve-huyet-ap-khong-on-dinh/