Trong số các nguyên nhân gây bỏng thì bỏng nước sôi và bỏng lửa là phổ biến nhất. Việc sơ cứu khi bị bỏng sai cách có thể khiến vết thương ăn sâu thêm, bị bội nhiễm và kéo theo nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Bỏng Nước Sôi Là Gì?
Bỏng nước sôi là loại bỏng nhiệt xảy ra khi tiếp xúc với nước nóng đạt trên 49ºC. Bỏng nước sôi có thể xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày như đổ canh nóng, khi rót nước sôi,… Nhưng các trường hợp bỏng nặng đa số do tai nạn lao động nhất là trong các ngành chế biến.
Sự tiếp xúc với nước sôi có thể gây bỏng nghiêm trọng chỉ trong vài giây. Theo Burn Foundation, nước nóng có thể gây bỏng độ ba ở:
- 69ºC trong 1 giây
- 65ºC trong 2 giây
- 60ºC trong 5 giây
- 56ºC trong 15 giây
2. Triệu Chứng Khi Bị Bỏng Nước Sôi?
Triệu chứng của bỏng nước sôi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết bỏng:
Mức độ nhẹ: Triệu chứng giống viêm da, chỉ gây đau nhẹ, da sưng đỏ. Bệnh nhân có thể tự lành sau 2-3 ngày. Khi vết bỏng lành lại, da bị khô và bong tróc
Mức độ trung bình: Xuất hiện nốt phỏng nước chứa dịch trong hoặc vàng nhạt trên nền da đỏ. Phải mất 10-14 ngày để lành vết thương. Ở mức độ này bệnh nhân vẫn còn cảm giác đau.
Mức độ nặng: Phồng rộp, vết phỏng có dịch màu hồng, đục; đáy nốt phỏng có thể tím sậm hoặc trắng. Bệnh nhân bị giảm cảm giác đau, tự khỏi sau 15-30 ngày hoặc dùng thuốc giúp nhanh lành vết thương. Nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh và gây ra các biến chứng nặng nề.
3. Bỏng Nước Sôi Có Nguy Hiểm Không?
Bỏng nước sôi có thể gây nguy hiểm vì nó phá hủy các mô và tế bào bị ảnh hưởng. Cơ thể của bạn sẽ bị mất nước thậm chí có thể bị sốc vì nhiệt. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, những vết bỏng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Mức độ nguy hiểm của vết thương do bỏng nước sôi phụ thuộc vào:
Nhiệt độ của nước nóng: càng cao càng dễ gây bỏng sâu.
Khoảng thời gian da tiếp xúc: càng lâu càng nghiêm trọng.
Diện tích vùng cơ thể bị bỏng: liên quan đến nguy cơ bị nhiễm trùng.
Vị trí của vết bỏng: bỏng chỗ da non dễ để lại sẹo hơn.
Vì vậy, nếu không được xử trí nhanh và đúng cách ngay từ đầu sẽ gây hoại tử. Trong trường hợp không may có biến chứng nhiễm trùng có thể phải phẫu thuật cắt ghép da.
Hoặc ngay những vết bỏng nhỏ mà trên một tháng chưa lành sẽ tạo sẹo ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Đặc biệt nếu để da non tiếp xúc với tia UV làm tăng sắc tố trên da sẽ khiến vết sẹo sậm màu, loang lổ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
4. Cách Phòng Tránh Bỏng Lửa, Nước sôi
- Để những thứ gây bỏng như nước sôi, phích nước, bao diêm bật lửa … ở xa tầm với của trẻ và ở nơi gọn gàng tránh để giữa đường đi khiến người khác va phải.
- Bố trí bếp và nơi đun nấu gon gàng, sạch sẽ, tránh xa tầm với của trẻ.
- Không nên ăn thức ăn nóng khi đang bế trẻ, chơi đùa với trẻ.
- Khi đun nấu cần để các cán xoong chảo quay vào trong tránh việc vô tình không để ý mà va phải gây bỏng…
5. Điều Trị Bỏng Nước Sôi
Làm mát vết bỏng
Làm mát để tránh cho da khỏi bị rộp bằng cách xả nước cho chảy chầm chậm lên vết bỏng. Tiến hành sớm trong 30 phút đầu và làm trong khoảng 15 – 20 phút. Nước sạch sẽ giúp giảm nhiệt, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm, diện tích và độ sâu vết thương. Quá trình này tuyệt đối không nên sử dụng nước đá hoặc các chất có dầu mỡ.
Nếu vết bỏng nước sôi bao phủ một phần lớn cơ thể, đừng ngâm toàn bộ vết phỏng trong nước. Điều này có thể khiến bệnh nhân bị mất nhiệt và làm trầm trọng thêm vết thương. Cố gắng giữ ấm cơ thể và làm mát từng phần của vết bỏng.
Loại bỏ vật cứng
Nhẹ nhàng tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, dép, vòng trước khi vết bỏng sưng nề. Cởi bỏ đồ trang sức hoặc quần áo gần vết bỏng để giảm nhiệt độ trên da. Nếu các vật dụng bị dính vào vết bỏng, không cố lấy ra mà giữ nguyên. Tự ý lấy chúng ra có thể lột theo phần da bị dính vào. Điều này không những gây đau mà còn khiến cho vùng da đang nhạy cảm dễ bị nhiễm trùng hơn.
Che vết bỏng
Để tránh nhiễm trùng, hãy che vết thương bằng băng gạc vô trùng. Có thể bôi thêm lên vết bỏng một lớp dày kem Silvrin hoặc Biafine, để giữ độ ẩm cho da. Da người bị bỏng háo nước nên việc giữ ẩm giúp hạn chế bị bóng nước, giảm đau, tránh sẹo.
Cần thay băng mỗi ngày và rửa vết bỏng qua bằng nước muối sinh lý và tiếp tục bôi kem. Vẫn phải băng lại tránh để vết bỏng bị khô cho đến khi vết bỏng lành, không đỏ da.
Trường hợp da bị phồng rộp cần cố gắng giữ không cho bể bóng nước vì nó như lớp băng sinh học, giúp chống nhiễm trùng. Nếu bị bể thì rửa vết bỏng bằng nước muối sinh lý và bôi kem, băng lại như bình thường.
Giảm đau
Để giảm đau bạn có thể chườm mát bằng một miếng gạc hoặc khăn ướt sạch đặt lên vùng bỏng. Tiến hành chườm từ 5-15 phút nhưng không được chườm lạnh quá vì da nhạy cảm dễ bị kích ứng. Bỏng nước sôi cần có thời gian để chữa lành. Nhẹ chỉ mất vài ngày, những trường hợp nặng hơn có thể mất vài tuần thậm chí vài tháng mới khỏi. Trường hợp bỏng nặng lâu ngày có thể phải dùng thuốc giảm đau dưới chỉ dẫn của bác sĩ.
Đến bệnh viện
Nếu bị phỏng sâu hoặc vết thương nặng hơn bạn nên đến bệnh viện để được điều trị đúng cách. Dấu hiệu vết bỏng trở nặng là sưng, đỏ, đau nhiều hơn quanh vết thương, có mô hoại tử,… ; các triệu chứng sốc hoặc dấu hiệu nhiễm trùng, hoặc nếu vết bỏng của bạn lớn hơn 3 inch.
6. Mẹo Trị Theo Dân Gian
Mật ong
Sau khi rửa sạch vết bỏng qua nước để giảm sức nóng, bạn hãy thấm mật ong vào miếng băng gạc rồi đắp lên vết thương khoảng 3 - 4 lần/ngày. Lúc đầu bạn sẽ có cảm giác đau rát khó chịu nhưng đây là cách hữu ích để điều trị bỏng vì mật ong có đặc tính kháng khuẩn và chống viêm.
Khoai tây
Khoai tây cũng có tác dụng nếu như bạn sử dụng chúng đắp lên vết bỏng càng sớm càng tốt, giúp da không bị phồng rộp, dần dần chỗ vết thương sẽ dịu nhẹ đi và chỉ một thời gian ngắn, vết bỏng sẽ được làm mát, nhanh kéo da non hơn và không để lại sẹo.
Nha đam
Trong nha đam chứa nhiều tinh dầu tự nhiên kết hợp với nguồn nước dồi dào có tác dụng át nhiệt rất nhanh. Ngay khi bị bỏng mẹ lập tức cho trẻ rửa qua nước mát, dùng 1 lát nha đam đắp lên, chà nhẹ để dịch nhờn nha đam thấm vào vết bỏng giúp vết thương không bị phồng rộp và lở loét. Nha đam không chỉ làm mát vết thương mà cũng có khử trùng và chữa bỏng hiệu quả mà không cần dùng đến thuốc đặc trị.
Giấm
Giấm có tác dụng khử trùng nên sẽ giúp vết thương không bị nhiễm trùng, mẹ có thể dùng giấm hòa cùng với nước rồi rửa sạch vết bỏng, sau đó bạn dùng băng gạc thấm dung dịch này băng vào vết thương, cứ 2 - 3 giờ thay băng gạc mới một lần để làm mát và giảm đau hiệu quả.
Hành tây
Cắt một miếng hành tây rồi vắt nước lên chỗ bỏng, vì trong hành tây có chất làm giảm đau và ngăn ngừa phồng rộp giúp vùng da bị bỏng sẽ nhanh chóng hồi phục.
Dầu dừa
Trộn một ít dầu dừa cùng vài giọt nước chanh rồi thoa lên chỗ bỏng sẽ giảm ngay cảm giác đau rát và không để lại sẹo xấu xí cho da. Vì dầu dừa giàu vitamin E sẽ kháng viêm và kháng khuẩn kết hợp với vitamin C trong nước chanh sẽ làm mờ vết bỏng.
Túi lọc trà đã qua sử dụng
Bạn cho túi lọc trà vào nước lạnh trong vài phút rồi chà nhẹ lên vùng da bị bỏng, hoặc để túi trà trên vết bỏng rồi dùng băng gạc quấn lại cố định. Chất tanin trong trà đen có tác dụng kháng đau rát và làm dịu vết thương rất hiệu quả.
7.Câu Hỏi Hay Gặp Khi Bị Bỏng Nước Sôi
Bỏng nước sôi nên ăn gì để ngừa sẹo
Bị bỏng không nên ăn gì? Bên cạnh việc xử lý vết bỏng đúng cách thì vấn đề dinh dưỡng cho người bị bỏng cũng cần được quan tâm. Một nguồn dinh dưỡng tốt sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh và giảm nguy cơ bị sẹo xấu. Lựa chọn thực phẩm phụ thuộc vào giai đoạn hồi phục của vết bỏng:
Giai đoạn đầu sau khi bị bỏng 48 tiếng, da bị mất nước do chảy dịch. Giai đoạn này cần bổ sung các loại vitamin, nước và các thực phẩm chứa nhiều nước.
Giai đoạn xuất hiện phản ứng viêm: cần ăn các thức ăn giàu vitamin, thực phẩm thanh nhiệt, lợi tiểu. Protein cũng nên bổ sung để bù lại lượng đã mất, bảo đảm quá trình tái sinh da tốt.
Giai đoạn phục hồi: Cần các thực phẩm có nhiều protein chất lượng cao, vitamin, chất giàu trị dinh dưỡng. Nên ăn các loại thịt, cá, sữa, trứng, rau và hoa quả tươi.
Bỏng nước sôi bao lâu thì khỏi ?
Bỏng nước sôi cần có thời gian để chữa lành. Nhẹ chỉ mất vài ngày, những trường hợp nặng hơn có thể mất vài tuần thậm chí vài tháng mới khỏi. Trường hợp bỏng nặng lâu ngày có thể phải dùng thuốc giảm đau dưới chỉ dẫn của bác sĩ.
8. Lưu ý khi xử lý vết bỏng
- Không bôi kem đánh răng, hay kem trị bỏng, mỡ trăn... lên vết bỏng, hành động đó có thể làm vết thương trở nên tệ hơn, có khả năng viêm nhiễm nhiều hơn.
- Chỉ nên dùng nước mát chứ không nên chườm bằng đá hoặc nước đá lên vết thương, tiếp xúc trực tiếp bằng đá lạnh có thể khiến vết thương trở nên tệ hơn, vì đột ngột gặp lạnh sẽ khiến biểu bì da co rút lại, vết bỏng sẽ càng lâu khỏi và dễ viêm loét.
- Trường hợp vùng da bỏng có diện tích lớn thì không nên cởi quần áo, sự va quệt vào vết thương có thể làm nhiễm trùng hay đau rát, nên sử dụng kéo nhanh chóng cắt lớp quần áo dính vào vết thương ra.
- Cẩn thận tháo bỏ tư trang, mọi vật cứng xung quanh vùng bị bỏng như vòng, quần, áo, giày hay dép,... để tránh sưng nề vết thương.
- Tuyệt đối vết bỏng phải được giữ vệ sinh, không bôi kem đánh răng hay bất cứ loại thuốc bôi nào trực tiếp lên, có thể sẽ gây nhiễm trùng. Tiến hành sơ cứu ban đầu sai cách cách có thể làm tình trạng vết bỏng bị nặng thêm, khó khăn hơn trong việc điều trị.
- Trường hợp nguy hiểm xảy ra khiến trẻ bị bỏng, con luống cuống và hoảng loạn không thể tự xử lý, lúc bấy giờ cha mẹ, người thân cần giữ bình tĩnh và nhanh chóng tiến hành sơ cứu cho con, giữ yên con và tránh để con sốc sẽ khiến tình trạng bỏng tệ hơn.