1. GIỚI THIỆU BỆNH
Khớp cổ chân có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì vận động của chi dưới. Nhờ có dây chằng, gân và cơ nên khớp cổ chân được hoạt động linh hoạt. Tuy nhiên việc phải vận động và giữ thăng bằng trong thời gian dài rất dễ làm cho khớp dễ bị tổn thương, đau nhức.
Đau khớp cổ chân là tình trạng đau nhức ở vùng khớp cổ chân, đây có thể là triệu chứng của bong gân, thoái hóa khớp, viêm gân... Do đau khớp cổ chân là biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau nên người bệnh cần phải hiểu rõ nguyên nhân để có hướng điều trị phù hợp.
2. NGUYÊN NHÂN
Thoái hóa khớp là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đau khớp cổ chân. Bệnh xuất hiện do sụn khớp bị tổn thương và không thể tạo ra các sụn mới. Thoái hóa khớp cổ chân thường có thể gặp ở mọi đối tượng, trong đó thường gặp nhất là ở người lớn tuổi, béo phì, mang giày cao gót thường xuyên.
Những bệnh nhân bị đau khớp cổ chân do thoái hóa thường có các biểu hiện như: Cổ chân bị sưng đỏ, khi cử động có thể nghe thấy tiếng kêu răng rắc, khi thức dậy buổi sáng có cảm giác cơ bị co cứng và cảm thấy đau khi cử động hoặc di chuyển.
Do viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là bệnh viêm khớp tự miễn có tác động lên nhiều khớp trên cơ thể, trong đó khớp cổ chân cũng là nơi dễ bị tổn thương. Khi bị viêm khớp dạng thấp, màng hoạt dịch bị hư tổn do sụn khớp bị hao mòn, lâu dần gây nên tình trạng cứng khớp, viêm và đau.
Các triệu chứng phổ biến của đau khớp cổ chân có nguyên nhân từ viêm khớp dạng thấp mà người bệnh có thể nhận ra như: xuất hiện sưng và đau ở các khớp khác trên cơ thể như khớp bàn tay, ngón tay, khớp bàn chân, ngón chân,... Ở giai đoạn muộn hơn thì bệnh nhân trải qua các cơn đau dữ dội do tình trạng sụn khớp bị bào mòn khiến cho việc đi lại và vận động khó khăn. Bệnh nhân cũng có thể có các triệu chứng khác đi kèm như mỏi mệt, sốt cao, ngứa mắt, tê cứng chân tay.
Do bị Gout
Gout là bệnh lý do hội chứng chuyển hóa của cơ thể gây nên khiến cho hàm lượng acid uric trong máu tăng cao dẫn đến các tinh thể muối urat natri lắng đọng ở các khớp gây đau.
Triệu chứng của đau khớp cổ chân do gout có thể kể đến như có cảm giác nóng và sưng ở các khớp, nhất là khớp ngón chân cái và cổ chân, cơn đau xuất hiện dữ dội và kéo dài trong vài giờ, cảm giác ngứa tại vị trí viêm và xuất hiện vùng tím đỏ xung quanh chỗ đau và sưng.
Do chấn thương, bong gân, trật khớp
Đau cổ chân do bong gân là hiện tượng dây chằng ở xung quanh khớp cổ chân bị giãn ra quá mức dẫn đến rách một phần hoặc toàn bộ. Các tổn thương này thường xuất hiện trong các hoàn cảnh như chơi thể thao, chạy bộ, té ngã. Đối tượng dễ bị bong gân, trật khớp là vận động viên, người hay vận động, người thừa cân, người cao tuổi, đi giày cao gót.
Bong gân cũng được chia ra các mức độ nặng nhẹ khác nhau:
- Bong gân nhẹ: Dây chằng bị kéo giãn nhẹ, chưa bị rách hoặc đứt.
- Bong gân vừa: Đứt một phần dây chằng.
- Bong gân nặng: Dây chằng bị đứt hoàn toàn.
Những người bị đau khớp cổ chân do bong gân trật khớp thường có các biểu hiện như đau đớn khi di chuyển, sưng cổ chân, vùng da xung quanh chỗ đau bị bầm tím
Do viêm gân
Ở một số trường hợp, dây chằng hoạt động quá nhiều có thể gây viêm gân và dẫn đến đau khớp cổ chân. Đối tượng dễ bị viêm gân là những người thường xuyên chơi thể thao, những người làm việc nặng nhọc.
Biểu hiện của bệnh đau khớp cổ chân do viêm gân có thể được nhận biết như đau nhức ở cổ chân, sưng và có cảm giác nóng rát ở khớp gối,...
Do bị gãy xương cổ chân
Khi chơi thể thao hoặc chạy nhảy, leo trèo chẳng may bị té dẫn đến gãy xương cổ chân. Chấn thương này xảy ra khi có lực vật lý rất lớn tác động vào cổ chân khiến gãy xương, gây nên cơn đau dữ dội và xuất hiện vết sưng và bầm tím.
Do bị viêm bao hoạt dịch
Viêm bao hoạt dịch khớp thường xuất hiện ở những người chơi thể thao hoặc là những người làm công việc chân tay nặng nhọc. Các khớp khủy tay, khớp gối, khớp cổ chân thường có bao hoạt dịch nằm dưới da nên khi bị chấn thương thì sẽ làm cho bao hoạt dịch bị tổn thương và viêm nhiễm.
Các biểu hiện đau khớp cổ chân do viêm bao hoạt dịch gồm: khớp sưng và tấy đỏ, người bệnh có thể cảm thấy đau nhức hoặc cứng khớp, đau nhiều hơn khi di chuyển. Trường hợp xuất tiết dịch nhiều dẫn đến ứ đọng dịch trong bao hoạt dịch hoặc tràn dịch khớp.
Nhiễm khuẩn
Vi khuẩn, vi trùng từ một bộ phận nào đó bị tổn thương trong cơ thể theo máu xâm nhập vào các khớp gây viêm nhiễm và sưng tấy.
Tuổi tác
Bệnh viêm khớp bao gồm cả viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và gout có xu hướng gia tăng theo tuổi tác (tuổi càng lớn nguy cơ khớp bị viêm càng cao).
Giới tính
Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới, còn nam giới có nguy cơ mắc bệnh gout cao hơn phụ nữ. Có nghĩa là tỷ lệ mắc các bệnh về khớp giữa các giới tính có sự chênh lệch nhất định.
Thừa cân-béo phì
Trọng lượng vượt ngưỡng (tức là chỉ số BMI quá 18.5 - 24.9) gây căng thẳng cho các khớp, đặc biệt là đầu gối, hông và cột sống bởi những bộ phận này có chức năng chống đỡ cơ thể. Tình trạng thừa cân-béo phì kéo dài sẽ khiến xương khớp bị đau nhức, thoái hóa và biến dạng.
Tính chất công việc
Những người làm công việc phải mang vác nặng, ngồi một chỗ và sử dụng máy tính liên tục làm việc nhiều giờ đồng hồ cũng là đối tượng dễ mắc các bệnh xương khớp.
4. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà cơn đau mắt cá chân sẽ kèm theo các triệu chứng khác nhau:
Bong gân: Đau khớp mắt cá chân, xuất hiện tình trạng sưng, bầm tím, khớp yếu.
Viêm khớp cổ chân: Đau ở khớp xương và các khu vực xung quanh, các cử động khớp chân bị hạn chế…
Gout: Đặc trưng với các cơn đau buốt dữ dội, kèm theo triệu chứng mắt cá chân bị sưng tấy, nóng đỏ…
4. BIẾN CHỨNG
Tình trạng đau khớp cổ chân không chỉ gây khó chịu cho người bệnh mà còn có nguy cơ dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng khác. Từ giai đoạn bệnh mới khởi phát, người bệnh gặp phải khó khăn trong việc di chuyển và hoạt động. Đến giai đoạn thứ phát, ngoài những cơn đau ngày càng nặng thì bệnh nhân còn có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:
Teo cơ, biến dạng xương: Vì đau mà người bệnh thường hạn chế vận động, điều này khiến cho quá trình trao đổi chất kém đi, lâu dần có thể gây teo cơ và biến dạng xương. Sức khỏe tổng thể của người bệnh cũng suy giảm.
Thương tật vĩnh viễn, tàn phế: Khi những tổn thương trở nên nghiêm trọng và không thể phục hồi được thì bệnh nhân có nguy cơ mất đi khả năng cử động khớp cổ chân.
5. BỆNH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Có thể nói, đau khớp cổ chân không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng lại tác động rất lớn đến sức khỏe và khả năng di chuyển, vận động của con người. Cho nên, đau khớp cổ chân cần được điều trị kịp thời và triệt để.
6. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Tuổi tác
Tuổi tác luôn là “kẻ thù” đối với xương khớp. Tuổi càng cao thì xương, khớp, cơ, dây chằng đều bị thoái hóa và suy yếu dẫn đến tình trạng là người già dễ gặp các tổn thương ở khớp cổ chân cũng như các khớp khác. Và khi đã bị đau thì ở những người lớn tuổi, quá trình phục hồi sẽ diễn ra khó khăn và chậm chạp hơn.
Cân nặng
Những người có khối lượng cơ thể lớn thì có nguy cơ mắc chứng đau khớp cổ chân cao hơn người có cân nặng vừa phải. Nguyên nhân là do khi di chuyển, chạy nhảy, trọng lượng cơ thể sẽ tác động một lực rất lớn lên các khớp, đặc biệt là khớp cổ chân, nơi phải “chống đỡ” gần như toàn bộ cân nặng cơ thể.
Hoạt động thể dục thể thao
Hoạt động thể dục thể thao ở cường độ cao khiến cho các khớp, đặc biệt là khớp ở cổ chân phải chịu lực tác động rất lớn khiến cho khớp và dây chẳng dễ bị hư tổn. Đồng thời, hoạt động thể thao cũng tiềm ẩn nguy cơ ngã, va đập,... làm tổn thương khớp và các bộ phận liên quan ở cổ chân.
Thói quen lười vận động
Tập thể thao quá mức không tốt cho xương khớp, nhưng ở chiều ngược lại, nếu cơ thể chúng ta ít vận động cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương khớp, trong đó có khớp cổ chân. Do tình trạng ít vận động khiến cho quá trình trao đổi chất ở khớp bị hạn chế, dẫn đến chất dinh dưỡng và oxy không cung cấp đủ, lâu dần sẽ dẫn đến cứng khớp, thoái hóa khớp.
Do đi giày cao gót
Một nguyên nhân mà các chị em phụ nữ ít để ý tới là việc thường xuyên đi giày cao gót cũng chính là yếu tố nguy cơ gây đau xương khớp, đặc biệt là khớp cổ chân, nơi chịu tác động trực tiếp. Nguyên nhân là do việc di chuyển trên giày cao gót khiến cho khớp và các bộ phận liên kết xung quanh như dây chằng, cơ không được ở đúng vị trí như nó vốn có mà bị kéo căng quá mức. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ có thể dẫn đến hiện tượng đau khớp cổ chân.
7. PHÒNG NGỪA
Cẩn thận trong đi đứng và tập luyện
Trong quá trình chạy nhảy hay tập thể thao, chúng ta nên cố gắng tránh các va chạm mạnh gây tổn thương lên cổ chân cũng như các bộ phận khác của cơ thể. Những người thường xuyên chơi thể thao và chơi các môn có tính đối kháng như bóng đá, bóng rổ, có thể sử dụng thêm các dụng cụ như băng dính cổ chân để hạn chế tổn thương khi va chạm. Đồng thời, người chơi thể thao cũng nên học cách vận động sao cho giảm thiểu tối đa chấn thương như cách chạy, cách nhảy, cách thu chân về khi va chạm với đối phương.
Trong cuộc sống hằng ngày, đối với phụ nữ, nên hạn chế việc mang giày cao gót để tránh các cơ và dây chằng ở cổ chân bị căng quá mức và quá thường xuyên.
Tập luyện hợp lý và kiểm soát cân nặng
Một lối sống lười vận động cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây đau khớp cổ chân nói riêng và thoái hóa các khớp khác trên cơ thể nói chung. Do vậy, tập luyện là lời khuyên đến từ các chuyên gia xương khớp dành cho tất cả mọi người. Trong đó, các môn thể thao như đạp xe, bơi lội, đi bộ... được xem là rất tốt cho xương khớp.
Và nên nhớ rằng kiểm soát cân nặng để không bị tăng cân không chỉ tốt cho tim mạch mà còn rất tốt cho cả xương khớp nữa.
Nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý
Đối với những người vận động nhiều hoặc những người lao động tay chân, nhớ dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý giữa các giờ làm việc, tránh trường hợp khớp cổ chân phải vận động và chịu lực quá lâu. Với những người phải đứng trong một thời gian dài như công nhân đứng dây chuyền, người làm dịch vụ thì nên chú ý chăm sóc nhiều hơn đến cổ chân như mát-xa, ngâm nước ấm vào buổi tối.
Khớp cổ chân vốn rất quan trọng vì nó phải “gồng gánh” hầu như toàn bộ trọng lượng cơ thể nhưng nhiều lúc chúng ta lại không quan tâm đúng mức đến nó. Đã đến lúc thiết lập một lối sống lành mạnh và chăm sóc tốt khớp cổ chân để luôn khỏe mạnh và vững vàng nhé
8. ĐIỀU TRỊ
Để điều trị đau khớp cổ chân, trước tiên người bệnh cần nắm rõ nguyên nhân gây bệnh để có các phương pháp phù hợp. Đồng thời, người bệnh cũng cần có biện pháp khắc phục nguyên nhân để tránh bệnh tái diễn về sau.
Điều trị bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc giúp chống viêm và khắc phục triệu chứng đau nhức, tê, sưng khớp. Các nhóm dược phẩm điều trị đau khớp cổ chân cần được bác sĩ kê toa.
Thuốc chống viêm: Đây là loại thuốc giúp ngăn chặn phản ứng viêm, không để lan rộng và hỗ trợ giảm đau. Các loại thuốc chống viêm không chứa steroid có thể kể đến như: Aspirin, Meloxicam, Etodolac,…
Thuốc giãn cơ: Giúp làm giảm cứng khớp, bệnh nhân cử động dễ dàng hơn. Các loại thuốc thường dùng gồm Cyclobenzaprine và Baclofen.
Thuốc giảm đau thông thường: Phổ biến nhất là các loại thuốc có chứa hoạt chất Paracetamol.
Thuốc tiêm: Với những bệnh nhân có tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ thường chỉ định tiêm Corticoid tại chỗ. Sau tiêm, người bệnh cần ngồi đợi khoảng 30 phút để theo dõi thêm.
Tuy nhiên, người bệnh cũng nên lưu ý là khi sử dụng các loại thuốc trên có thể gặp phải một số tác dụng phụ như gây loãng xương, xơ vữa động mạch, đau hoặc viêm loét dạ dày.
Tập vật lý trị liệu
Tập vật lý trị liệu là một biện pháp khá hiệu quả và an toàn đối với các bệnh nhân bị đau xương khớp. Tùy vào mức độ bệnh nhẹ hay nặng mà các chuyên gia sẽ hướng dẫn bệnh nhân thực hiện các bài tập phù hợp giúp tăng cường sức mạnh cơ xương khớp cổ chân và cải thiện tình trạng đau nhức. Các bài tập vật lý trị liệu cho bệnh nhân đau khớp cổ chân có thể kể đến như tập gập và duỗi khớp cổ chân, quay khớp cổ chân, vận động các khớp ngón chân, đeo nẹp phục hồi chức năng cổ chân.
Chườm lạnh
Chườm lạnh là cách điều trị đau khớp cổ chân vừa được thực hiện ở nhà vừa được áp dụng như là một phần trong quá trình tập vật lý trị liệu. Việc chườm lạnh sẽ giúp co mạch máu, giảm lưu lượng máu lưu thông về vết thương, từ đó giúp giảm viêm và sưng tấy, hỗ trợ giảm đau. Chườm lạnh đặc biệt phù hợp với các trường hợp như bong gân, trật khớp, viêm khớp cấp tính và bệnh gout cấp tính.
Người bệnh dùng một túi nhỏ đựng đá lạnh hoặc đựng nước đá để trong lọ, sau đó áp đều lên phần khớp cổ chân bị đau. Nên nhớ nếu cảm thấy đá quá lạnh thì bạn có thể đặt thêm một chiếc khăn trên bề mặt da. Mỗi lần chườm lạnh kéo dài khoảng 20 phút là đủ.
Điều trị bệnh nền
Như ở phần nguyên nhân đã phân tích, tình trạng đau khớp cổ chân có thể do các bệnh nền gây ra như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, gout, viêm bao hoạt dịch,... gây ra. Do vậy, để điều trị triệt để đau khớp cổ chân thì người bệnh cần được điều trị bệnh nền, kiểm soát tốt căn bệnh mà họ mắc phải, từ đó hiện tượng đau sưng ở cổ chân do vậy cũng sẽ biến mất.
Xoa bóp
Đây là cách đơn giản, dễ làm mà bệnh nhân bị đau khớp cổ chân có thể thực hiện tại nhà. Để thực hiện, bệnh nhân nên ngồi ở trên giường hoặc trên một mặt phẳng. Sau đó, từ từ co đầu gối sao cho cổ chân ở vừa tầm tay để mát-xa (xoa bóp). Tiến hành xoa hai lòng bàn tay với nhau để tạo độ nóng nhất định rồi xoa bóp vùng khớp cổ chân bị đau, nên nhớ là xoa bóp lực vừa phải, không quá mạnh tránh gây tổn thương cho khớp. Bạn có thể xoa bóp trong vòng 10 - 15 phút. Phương pháp này chỉ áp dụng đối với tình trạng đau khớp cổ chân ở cấp độ nhẹ, nếu đau nặng thì bạn cần phải đi khám bác sĩ để có cách điều trị thích hợp.
9. CÂU HỎI HAY GẶP
Một số bài tập cải thiện đau khớp cổ chân hiệu quả ?
Xoay khớp cổ chân
Bài tập này sẽ vận động khớp cổ chân sang hai bên, giúp phục hồi các dây chằng bị tổn thương. Tuy nhiên, bài tập này chỉ nên bắt đầu khi cơn đau do đã dịu hẳn.
Người bệnh chỉ cần xoay bàn chân với mũi chân hướng ra ngoài và sau đó xoay ngược chiều để mũi chân hướng vào trong. Động tác xoay tròn nên từ từ và trong giới hạn chịu đựng của cơ thể.
Căng cơ bắp chân
Để kéo căng cơ bắp chân, bệnh nhân cần đặt chân duỗi thẳng chân, kéo bàn chân duỗi ra phía sau và nghiêng người về phía trước, đảm bảo gót chân luôn tiếp xúc với mặt sàn. Khi tập, người bệnh cần có cảm giác căng ở mặt sau của cẳng chân.
Giữ tư thế này trong khoảng 20 đến 30 giây và lặp lại 3 lần. Bài tập này có thể lặp lại nhiều lần trong ngày.
Kéo gập và duỗi mu chân
Dùng một dải băng đàn hồi tạo kháng lực xung quanh lòng bàn chân và kéo tay giữ chặt hai đầu. Từ từ duỗi mu bàn chân ra xa, giữ nguyên tư thế trong vài giây và gập lại trở về vị trí nghỉ. Lúc này, khớp đầu gối cần uốn cong lại để tập trung vào nhóm cơ ở vùng dưới bắp chân.
Bạn cần kéo gập duỗi mu chân 10 - 20 lần trong 1 hiệp và nên tập 3 hiệp với thời gian nghỉ ngắn giữa các hiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://jex.com.vn/viem-khop/dau-khop-co-chan-a1189.html
https://xuongkhopsaigon.vn/dieu-tri-nhanh-benh-dau-co-chan-toan-va-hieu-qua.html?gclid=Cj0KCQjw-fmZBhDtARIsAH6H8qgNpeGx8ZF_58UlEAlQlL8n_SwdB4qe8m--0zDqvup7B3WQPrlP410aAsKOEALw_wcB