1. GIỚI THIỆU BỆNH
Bị côn trùng đốt hay cắn chắc hẳn không phải là một tình trạng ít gặp, nhất là ở vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Tùy vào mức độ thương tổn do côn trùng gây ra mà bạn cần có biện pháp xử lý và điều trị thích hợp. Nếu không can thiệp sớm, một số vết đốt/ cắn có độc có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
2. TÌNH TRẠNG KHI BỊ ĐỐT
Côn trùng đốt sẽ gây ra các vết thương trên da, có thể sưng, đỏ hay phồng rộp thành mụn nước gây đau, ngứa và kích ứng da.
Phản ứng của cơ thể với vết đốt sẽ tùy thuộc vào loại côn trùng đã đốt/ cắn bạn và độ nhạy cảm của mỗi người. Ví dụ, vết đốt của muỗi, bọ chét hay ve thường có xu hướng gây ngứa hơn là đau. Vết đốt từ ong, ong bắp cày, ong vàng, kiến lửa hay bọ cạp sẽ gây ra những phản ứng nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, một số côn trùng có thể mang mầm bệnh (như virus West Nile – WNV, virus Zika, virus sốt xuất huyết…) và truyền sang người qua vết đốt.
Đa số trường hợp côn trùng đốt sẽ gây một vết ngứa nhỏ trên da, đôi khi bạn có thể nhìn thấy một lỗ nhỏ trên da như kim đâm. Vết đốt có thể sưng lên và bên trong chứa dịch. Một số trường hợp gây ra phản ứng viêm xung quanh vị trí bị đốt.
Các vết côn trùng đốt có thể tự biến mất trong vài ngày mà không cần có can thiệp điều trị y tế. Tuy nhiên, một số người lại có phản ứng dị ứng với vết côn trùng đốt nhưng hiếm khi gây dị ứng nghiêm trọng (như sốc phản vệ).
3. TRIỆU CHỨNG
Một số dấu hiệu và triệu chứng có thể cho thấy bạn có phản ứng dị ứng là:
- Phát ban trên da và lan sang các khu vực khác của cơ thể
- Khó thở
- Đau ngực
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Buồn nôn
- Nhịp tim nhanh
- Sưng nghiêm trọng, có thể xảy ra ở một bộ phận cơ thể khác với vị trí bị đốt như sưng ở lưỡi hay môi
- Ngứa nhiều, khó chịu
- Thở khò khè
Khi nhận thấy các triệu chứng trên xuất hiện, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
4. BIẾN CHỨNG KHI BỊ ĐỐT
Nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn xâm nhập qua vị trí bị đốt có thể xảy ra khi bạn gãi vào vùng da bị đốt và làm trầy xước hay vỡ mụn nước. Các loại nhiễm trùng có khả năng hình thành là viêm mô tế bào, viêm hạch bạch huyết hoặc bệnh chốc lở. Lúc này, bạn sẽ cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị.
Nếu bị những loài côn trùng có mang bệnh đốt, chẳng hạn như ve gây bệnh Lyme, bệnh sốt phát ban miền núi (rocky moutain spotted fever), bạn có thể có nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, liệt mặt, tổn thương khớp, các vấn đề ở tim… khi không điều trị.
5. BỆNH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Một số người có thể có phản ứng mạnh hơn ở lần thứ hai bị côn trùng đốt, đặc biệt là khi do cùng một loại côn trùng gây ra.
Vết đốt của côn trùng cũng có khả năng bị nhiễm trùng và dẫn đến:
- Hình thành mủ bên trong hoặc xung quanh vết đốt
- Sưng tuyến bạch huyết
- Sốt
- Cảm giác không khỏe, mệt mỏi
- Các triệu chứng giống như cúm
- Vùng da bị đốt có thể trở nên đỏ, đau và sưng hơn nhiều
- Tình trạng sẩn ngứa hoặc nổi mề đay trên da cũng có khả năng xuất hiện và tồn tại trong một vài ngày. Sau đó, hầu hết mọi người đều đạt được miễn dịch và không còn nhạy cảm khi bị côn trùng đốt.
6. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Những yếu tố nào làm tăng khả năng bị côn trùng đốt ở bạn?
Nguy cơ bị đốt thường phụ thuộc vào yếu tố môi trường. Ví dụ, bạn có nguy cơ bị bọ chét cắn nếu tiếp xúc với động vật nuôi hay ở trong khu vực dân cư đông đúc nhưng có điều kiện vệ sinh kém. Việc chuyển vào một ngôi nhà mới sau một khoảng thời gian không có người ở cũng kích hoạt bọ chét thoát khỏi trạng thái ngưng hoạt động.
Rệp thường thích ẩn náu trong các vật dụng cũ và các vật liệu dùng để bọc đồ đạc như nệm, quần áo… Bạn có thể bị đốt khi sinh sống ở những nhà cho thuê không được vệ sinh tốt.
Bên cạnh đó, việc du lịch đến những nơi khác cũng làm tăng nguy cơ bị côn trùng đốt.
7. PHÒNG NGỪA
Làm sao để phòng ngừa côn trùng đốt hiệu quả?
Để ngăn ngừa côn trùng đốt, nhất là trong mùa mưa ẩm ướt, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Mắc màn khi ngủ, hạn chế mở cửa sổ hoặc lắp đặt lưới chặn côn trùng ở cửa sổ
- Tránh đi đến các khu vực có nhiều cây cối, bụi rậm và cỏ
- Hạn chế mặc quần áo có màu sắc tươi sáng và sử dụng mỹ phẩm có mùi thơm
- Mặc quần áo tay dài, có thể đóng thùng hoặc nhét ống quần vào bên trong vớ/ giày nếu cần
- Kiểm tra các chai, lọ, thùng có thể bị đọng nước
- Sử dụng thuốc chống côn trùng phù hợp
Lưu ý, không dùng thuốc chống côn trùng cho trẻ sơ sinh. Nếu trẻ dưới 10 tuổi, bạn không nên sử dụng thuốc chống côn trùng có chứa quá 10% DEET. Sử dụng dầu khuynh diệp cũng có thể có tác dụng nhưng không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi.
Nếu bạn cần sử dụng cả kem chống nắng và thuốc chống côn trùng, hãy thoa kem chống nắng trước.
8. CHẨN ĐOÁN
Tình trạng thường khá dễ để có thể nhận biết và chẩn đoán. Tuy nhiên, mọi người thường chỉ đến gặp bác sĩ khi họ thấy có phản ứng nghiêm trọng xảy ra sau khi bị côn trùng đốt.
9. ĐIỀU TRỊ
Trường hợp nhẹ và không có phản ứng dị ứng thì vết đốt sẽ tự biến mất trong vòng một vài ngày. Bạn có thể chườm mát lên vùng da bị đốt hoặc dùng thuốc giảm đau dạng kem bôi hay uống để giảm bớt khó chịu.
Khi có phản ứng dị ứng, bạn có thể mua thuốc kháng histamin tại các quầy thuốc theo hướng dẫn của dược sĩ. Các thuốc này cũng giúp giảm bớt triệu chứng hiệu quả.
Trường hợp nặng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định dùng thuốc phù hợp. Đôi khi, việc điều trị vết côn trùng đốt sẽ cần đến thuốc corticosteroid đường uống (như prednisolone) hoặc thuốc kháng histamin đường uống.
Lưu ý, bạn nên tránh gãi vùng da bị đốt cho dù cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Nếu vết đốt bị trầy xước hoặc các nốt mụn nước bị vỡ có thể tạo ra đường cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.
Bên cạnh đó, bạn nên tìm kiếm nguồn gốc của côn trùng đã đốt bạn để loại trừ hoàn toàn. Ví dụ, bạn bị rệp cắn do chúng sống trong chăn nệm cũ, quần áo cũ, hãy giặt và khử trùng mọi thứ sạch sẽ.
10. CÂU HỎI HAY GẶP
Bật mí 8 loại tinh dầu đuổi muỗi và côn trùng
8 loại tinh dầu đuổi muỗi và côn trùng
Một số loại tinh dầu có khả năng ngăn không cho muỗi dám đến gần là:
♥ Tinh dầu hoa oải hương
Hoa oải hương nổi tiếng với những tác dụng tích cực về mặt thư giãn cũng như những lợi ích tuyệt vời cho giấc ngủ. Thế nhưng, điều mà nhiều người không biết là tinh dầu chiết xuất từ hoa oải hương cũng có thể trị bọ xít và muỗi đốt khá hiệu quả, đặc biệt là loài muỗi anopheles gây bệnh sốt xuất huyết.
♥ Tinh dầu bạc hà
Bạc hà cũng nằm trong danh sách tinh dầu đuổi muỗi mà bạn không thể bỏ qua. Nếu lo lắng về những loại tinh dầu có mùi quá nồng, bạn hãy thử dùng dầu bạc hà thay thế nhé. Loại tinh dầu này không những có tác dụng xua đuổi côn trùng, mà còn hiệu quả trong việc giúp làm sạch không khí, khử mùi, diệt khuẩn, đem đến hương thơm dễ chịu, sảng khoái cho không khí gia đình. Ở những nơi ẩm thấp, việc sử dụng tinh dầu bạc hà giúp giảm nấm mốc, khử mùi hôi hiệu quả. Nhiều người sử dụng loại tinh dầu này như một loại thuốc chống côn trùng tự nhiên và mang đến cảm giác thư thái, chống lại trầm cảm.
♥ Tinh dầu húng quế
Húng quế hay còn gọi húng chó, húng tây là một loại rau thơm. Không chỉ là một loại rau để tăng thêm hương vị cho món ăn mà nó còn có thể xua đuổi côn trùng và ngăn không cho chúng đến gần. Trong lá húng quế có chứa nhiều tinh dầu có mùi hương cay, nồng, đây là những mùi “đại kỵ” của muỗi nên khi bạn trồng loại cây này ở đâu thì muỗi sẽ tự động tránh xa chỗ đó.
Thêm vào đó, tinh dầu húng quế có mùi thơm ngọt ngào xen lẫn chút vị cay thường được sử dụng nhằm làm dịu vết muỗi đốt.
♥ Tinh dầu thông
Một nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra tác dụng xua đuổi côn trùng của dầu thông, đặc biệt là ở khả năng chống muỗi đốt. Giống như các loại tinh dầu khác, dầu thông cũng được chứng minh mang đến hiệu quả nhiều hơn so với việc sử dụng các hóa chất tổng hợp. Ngoài ra, tinh dầu thông cũng mang đến những lợi ích khác cho sức khỏe con người như chống viêm giảm sưng tấy các vết côn trùng đốt trên da, chống oxy hoá, làm sạch da kháng khuẩn, giảm viêm xoang, nâng cao hệ miễn dịch…
♥ Tinh dầu bạch đàn chanh
Tinh dầu bạch đàn chanh được chiết xuất từ lá cây bạch đàn chanh (Eucalyptus citriodora Hook.f) thường được dùng làm thuốc sát khuẩn tại chỗ, đặc biệt trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và trong một số bệnh ngoài da. Đây là loại tinh dầu đuổi muỗi được yêu thích nhất, đặc biệt là muỗi Anopheles gambiae. Nó rất thích hợp cho mùa hè vì có hương chanh thanh mát. Thông thường, người ta thường kết hợp với tinh dầu hoa oải hương để làm thành nước xịt phòng chống muỗi.
Bên cạnh đó, loại tinh dầu này cũng có hiệu quả bảo vệ da khỏi vết cắn của ve và có thể kéo dài công dụng đến vài giờ.
♥ Tinh dầu cỏ hương bài
Cây hương bài (Dianella ensifolia) còn gọi là cát cánh lan, cây rẻ quạt, cây xương quạt, cây bả chuột. Là một trong những loài cây có độc nguy hiểm, nếu dùng uống có thể gây tử vong. Dân gian không dùng loài cây này làm thuốc uống mà chỉ dùng để làm nguyên liệu trong nền công nghiệp sản xuất giỏ xách, chiếu và hương (nhang).
Bên cạnh đó, dầu có hương bài được sử dụng như một biện pháp tự nhiên để đuổi muỗi và côn trùng. Bên cạnh tác dụng đuổi mối, thì tinh dầu nguyên chất từ rễ cỏ hương bài còn có khả năng tiệt trừ các ấu trùng muỗi, cũng như ngăn chặn quá trình sinh nôi, nảy nở của muỗi, giúp giảm bớt các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, sốt vàng da và bệnh giun chỉ. Ngoải ra tinh dầu tự nhiên này còn được dùng tại da đầu để diệt chấy, vì nó không độc hại với người.
Mùi gỗ ấm và mùi đất của loại dầu này cũng mang đến tác dụng làm dịu tâm trí và giảm căng thẳng một cách hiệu quả.
♥ Tinh dầu tràm trà
Chiết xuất từ cây tràm trà rất phổ biến trong ngành công nghiệp làm đẹp như một hoạt chất kháng khuẩn để điều trị mụn nhọt và mụn trứng cá. Nhưng không dừng lại ở đó, tinh dầu tràm trà còn có thể bảo vệ và làm dịu vết cắn đau đớn từ muỗi và côn trùng, sử dụng được cho trẻ em và phụ nữ có thai. Có được tác dụng này là do trong tinh dầu tràm trà có thành phần cineol rất cao và đây chính là tác nhân giúp đuổi muỗi hiệu quả.
Khi được khuếch tán trong không khí hoặc bôi lên da, loại dầu này sẽ khiến muỗi chẳng dám lại gần bạn.
♥ Tinh dầu sả chanh
Sẽ thật thiếu sót khi đề cập đến tinh dầu đuổi muỗi mà bỏ qua tinh dầu sả chanh. Tinh dầu sả chanh có mùi thơm dịu, thoang thoảng mùi chanh tươi, là mùi thơm yêu thích của nhiều người và có tác dụng xua đuổi muỗi và côn trùng. Theo phân tích thì mùi hương của sả chanh có tác dụng làm rối loạn khả năng định hướng của muỗi, khiến chúng mất phương hướng và không còn khả năng tấn công. Loại dầu này cũng chứa các đặc tính xua đuổi các loại côn trùng khác. Sả chanh có thể duy trì hiệu quả ngăn muỗi đốt trong 2 giờ.
Ngoài ra, tinh dầu sả chanh cũng mang lại những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe con người, ứng dụng trong trị liệu, làm đẹp, phòng và chữa bệnh.
Bên cạnh các loại tinh dầu kể trên thì những sản phẩm tinh dầu khác mà bạn cũng có thể cân nhắc gồm:
♥ Tinh dầu đuổi muỗi: Tinh dầu sả java, khuynh diệp, đinh hương, hương nhu, sả, tinh dầu phong lữ
♥ Tinh dầu đuổi bọ chét: Tinh dầu gỗ tuyết tùng, tinh dầu cam, hoa cam
♥ Tinh dầu trị ve: Tinh dầu phong lữ, cây bách xù, dầu gỗ hồng mộc, tinh dầu cỏ xạ hương, dầu bưởi và dầu lá kinh giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://hellobacsi.com/duoc-lieu/thao-duoc/tinh-dau-duoi-muoi-va-con-trung/