Cúm là bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc, bệnh rất dễ lây từ người này sang người khác và thành dịch trong cộng đồng. Trong lịch sử, thế giới đã từng ghi nhận nhiều đại dịch cúm nguy hiểm cướp đi sinh mạng của hàng triệu người.
1. CÚM B LÀ GÌ?
Đặc điểm virus cúm B
Virus cúm B chỉ có khả năng lây truyền từ người sang người, không lây truyền qua động vật như cúm A. Triệu chứng cúm B thường nhẹ và ít nguy hiểm hơn khi so sánh với các biểu hiện của bệnh cúm A. Hai loại cúm này cũng đồng thời kết hợp và gây nên bệnh cúm mùa hàng năm.
Chủng cúm tuýp B chỉ có thể gây bệnh cúm thông thường, không gây ra đại dịch. Tuy không phổ biến như cúm A và ít có khả năng gây dịch, nhưng bệnh cúm gây ra bởi virus cúm B có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng với các nhóm đối tượng sức đề kháng yếu, có bệnh lý nền mạn tính:
Phụ nữ mang thai ở bất kỳ giai đoạn nào nếu mắc cúm cũng có thể sinh non hoặc sảy thai.
Trẻ em dưới 5 tuổi và người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính về chuyển hoá, tim, phổi, thận…
Người bị suy giảm miễn dịch: viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, suy hô hấp..
Các chủng cúm B
Cúm B chỉ có một chủng virus gây bệnh duy nhất, không chia thành các phân loại như cúm A và chỉ được chia làm 2 dòng phổ biến là cúm B/Yamagata và cúm B/Victoria. So với các chủng cúm A, cả 2 dòng cúm B đều ít có sự biến đổi hơn, hầu như không thay đổi về bản chất kháng nguyên.
Nếu như trước những năm 1990 hầu như chỉ có một dòng cúm B/Victoria thì đến đầu những năm 1990 bắt đầu xuất hiện dòng cúm B/Yamagata. Từ những năm đầu thế kỷ 20, cả dòng cúm này cùng tồn tại và gây nhiễm bệnh số lượng lớn cho nhân loại. Hai chủng cúm B/Yamagata và B/Victoria thay phiên nhau nổi trội theo năm và theo từng khu vực.
Thời gian ủ bệnh cúm B
Thời gian ủ bệnh khi nhiễm virus cúm B khá ngắn, chỉ khoảng 1-3 ngày và không xuất hiện các dấu hiệu bệnh rõ ràng. Tiếp đó, bệnh sẽ diễn tiến trong khoảng 3-5 ngày với những cơn sốt nhẹ hoặc sốt cao đến 41oC kèm theo đau họng, hắt hơi, sổ mũi, ho. Tuy nhiên, do bệnh lây nhiễm qua dịch tiết mũi, nước bọt và tiếp xúc nên trong thời gian ủ bệnh vẫn có thể lây nhiễm sang người khoẻ mạnh.
Khi bị nhiễm cúm, người có sức đề kháng tốt cần nghỉ ngơi tốt trong vài ngày là khỏi bệnh, không ảnh hưởng quá lớn đến hệ hô hấp, sức khỏe cơ thể. Tuy nhiên, ho và cảm giác mệt mỏi có thể kéo dài đến 2 tuần hoặc lâu hơn gây cảm giác khó chịu cho người bệnh.
2. NGUYÊN NHÂN
Cúm là một bệnh truyền nhiễm do virus Influenza gây ra, bệnh cúm tấn công hệ hô hấp thông qua mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi ngay cả khi không can thiệp điều trị. Tuy nhiên, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch…
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Các triệu chứng về hô hấp không có các dấu hiệu điển hình của cúm mà thường dễ nhầm lẫn với các bệnh thuộc đường hô hấp trên, có thể bao gồm:
- Ho, đau hoặc ngứa rát cổ họng
- Viêm họng
- Chảy nước mũi
- Hắt hơi liên tục
- Các triệu chứng toàn thân khi nhiễm cúm B thường khiến cơ thể mệt mỏi, đau nhức, sốt cao có thể lên tới 41oC mà không hạ sốt được thì cần đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị.
Các biểu hiện có thể xuất hiện khi nhiễm cúm B bao gồm:
- Sốt vừa đến sốt cao (trên 39oC)
- Ớn lạnh toàn thân
- Mệt mỏi, chân tay không có lực
- Hoa mắt, đau đầu
- Đau nhức cơ, đau khi vận động
Các triệu chứng về đường tiêu hoá khi nhiễm cúm B có thể gặp phải là tiêu chảy hoặc đau dạ dày. Ngoài ra người mắc cúm B còn gặp những biểu hiện sau đây:
- Buồn nôn và nôn
- Đau bụng, tiêu chảy
- Chán ăn, khô miệng
Trẻ dưới 5 tuổi, khi trẻ bị nhiễm cúm B rất dễ sốt cao, có thể gây co giật rất nguy hiểm, tiêu chảy, nôn mửa nhiều gây mất nước, mệt lả. Với những người bị hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… thì các biểu hiện cúm B sẽ có khả năng nặng hơn, thậm chí gây ra một đợt cấp nghiêm trọng.
4. BIẾN CHỨNG
Các biến chứng do cúm B có tỷ lệ không nhiều nhưng cũng có khả năng gây ra biến chứng, trong đó biến chứng về hô hấp là thường gặp nhất. Đây là biến chứng nặng nhất của cúm B. Những biểu hiện của hiện tượng này xảy ra trong khoảng thời gian khi đã quá từ 3 đến 5 ngày mà vẫn tiếp diễn kèm theo triệu chứng khó thở, tím tái, thở gấp, khạc ra đờm đặc có lẫn máu. Người bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời, bao gồm:
Viêm phổi tiên phát: Khi xâm nhập vào cơ thể, virus cúm B gây ra các triệu chứng như sốt (có thể sốt cao, đột ngột),Sốt liên tục, sốt cao trên 39oC kéo dài 3-5 ngày không hạ; Hô hấp khó khăn, thở nhanh, thở gấp, nặng hơn có thể gây ra suy hô hấp, suy tuần hoàn; Có thể kèm theo ho khạc đờm, run chân tay, da xanh tái. Hiếm khi xuất hiện các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm phế quản. Nếu có những biểu hiện này có thể do biến chứng hoặc kết hợp với các virus khác gây nên.
Viêm phổi thứ phát: Thường gặp ở người có bệnh nền mạn tính, trẻ em, người có đề kháng yếu với tình trạng sốt cao trở lại sau khi đã hạ sốt được 2-3 ngày; hô hấp khó thở, đau tức ngực, ho khạc đờm, da xanh tái, suy kiệt, mệt mỏi…
Ngoài ra, nhiễm cúm cũng có thể làm các bệnh mạn tính của người bệnh trở nặng hơn nếu không được điều trị kịp thời, đúng phác đồ, dễ gây ra những biến chứng cho cơ thể như:
Tim mạch: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tuần hoàn…
Thần kinh: viêm não, viêm màng não, viêm não tủy, viêm đa dây thần kinh, viêm rễ thần kinh…
Với trẻ sơ sinh: viêm tai, viêm xương chũm, nhiễm độc thần kinh.
Với phụ nữ mang thai: ảnh hưởng tới cả mẹ bầu và thai nhi, nghiêm trọng có thể gây dị tật, sảy thai.Gây nguy hiểm cho thai nhi
Phụ nữ mang thai bị nhiễm cúm B có khả năng sinh non hoặc xảy thai. Trong giai đoạn có bầu, cơ thể người phụ nữ phải chịu nhiều biến đổi từ bên trong, sự suy giảm hệ miễn dịch là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, thai phụ dễ dàng bị những biến chứng trên phổi khi bị mắc cúm B, có nguy cơ sinh non hoặc sảy thai, đặc biệt vào 3 tháng đầu của thai kỳ.
5.BỆNH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Cúm B nói riêng và bệnh cúm nói chung thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên, rất dễ lây sang người khỏe mạnh khi người bệnh ho, hắt hơi trong khoảng cách 2m, hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm virus sau đó chạm tay vào mũi, miệng cũng làm tăng khả năng nhiễm cúm.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC Hoa Kỳ khẳng định, cả hai loại cúm A và B đều có thể phát triển thành bệnh nghiêm trọng như nhau, phản bác quan niệm sai lầm trước đây cho rằng cúm loại B nhẹ hơn. Do đó, chúng ta không vì thế mà chủ quan với bệnh cúm B.
6. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Bất kỳ ai cũng đều có thể bị mắc cúm. Tuy nhiên, các đối tượng sau có nguy cơ bị mắc cúm cao hơn:
- Trẻ em < 5 tuổi và người lớn > 65 tuổi: cúm mùa thường có xu hướng xảy ra nhiều ở trẻ em từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi và người già từ 65 tuổi trở lên.
- Người béo phì: những người có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) từ 40 trở lên có nguy cơ dễ mắc cúm cao hơn so với người có cân nặng bình thường.
- Người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu: các đối tượng đang điều trị ung thư, dùng thuốc chống thải ghép, sử dụng corticoid trong thời gian dài, cấy ghép nội tạng, ung thư, nhiễm HIV/AIDS…
- Người mắc bệnh mạn tính: các bệnh về phổi (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản...), đái tháo đường, suy tim, suy thận, bệnh gan…
- Phụ nữ mang thai và sau sinh: phụ nữ mang thai tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ và phụ nữ trong thời điểm 2 tuần sau sinh cũng có nguy cơ cao bị nhiễm cúm.
7. PHÒNG NGỪA
Vắc xin phòng cúm B
Tiêm vắc xin phòng ngừa giúp tạo ra kháng thể bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm đạt tới 97%. Người đã tiêm phòng nếu mắc cúm giúp giảm nhẹ hơn các triệu chứng, giảm nguy cơ các biến chứng nặng và thời gian bị bệnh ngắn hơn so với người chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm, các chuyên gia khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa sau đây:
1. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
2. Nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
3. Tiêm vaccine cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm.
4. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; Sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
5. Người dân không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virrus (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc.
6. Nếu triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi..., ngày càng tăng nặng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
8. CHẨN ĐOÁN
Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán cúm hiện nay bao gồm:
Nhờ sự phát triển của y học, cúm ngày nay có thể được phát hiện thông qua nhiều phương pháp như:
- Phương pháp phát hiện kháng nguyên: là phương pháp phổ biến nhất bởi có thể cho ra kết quả trong thời gian ngắn.
- Phương pháp sinh học phân tử: cho kết quả nhanh chóng, chính xác, đặc biệt có thể giúp phân biệt các loại type cúm nguy hiểm.
- Thông qua phương pháp huyết thanh học.
- Phương pháp phân lập virus.
- Xét nghiệm test cúm A, B: đây là phương pháp đang được sử dụng phổ biến, nhất là trong giai đoạn bùng dịch, cần có xét nghiệm chẩn đoán nhanh. Tại khoa Vi sinh, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển đang thực hiện xét nghiệm này để phát hiện định tính và phân biệt kháng nguyên của virus cúm type A và type B trực tiếp từ bệnh phẩm hoặc tăm bông lấy mẫu từ mũi họng. Phương pháp cho kết quả nhanh chóng, chỉ sau 10 -15 phút.
việc chẩn đoán bệnh cúm vô cùng quan trọng, không chỉ dựa vào triệu chứng mà còn phải sử dụng kết quả xét nghiệm để bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác cho việc lựa chọn phác đồ điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng nghiêm trọng xảy ra.
9. ĐIỀU TRỊ
Phác đồ điều trị cúm B
Với bệnh do virus cúm B hay do virus khác gây ra, hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị riêng mà chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng kết hợp nâng cao thể lực, tăng sức đề kháng cơ thể kết hợp với việc bác sĩ xác định tình trạng bệnh, hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra như:
Uống thuốc hạ sốt giảm đau, hạ sốt không cần kê đơn: Ibuprofen (Advil) hoặc Acetaminophen (Tylenol) , để làm giảm triệu chứng.
Nghỉ ngơi nhiều hơn, giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng mát.
Uống nhiều nước, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày.
Bổ sung các loại khoáng chất, vitamin giúp tăng đề kháng, tăng miễn dịch và ngăn ngừa biến chứng do virus.
Tiêm vắc xin phòng cúm để bảo vệ cơ thể
Chăm sóc sức khỏe khi mắc cúm B
Những người mắc bệnh cúm B cần cần phải chú ý những việc sau:
- Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh, đặc biệt là người già, trẻ em và những người có sức đề kháng kém. Không đi lại những nơi tụ tập đông người.
- Nên nằm nghỉ ở những nơi thoáng mát, tránh gió, yên tĩnh, không nên nằm ở những nơi có điều hòa, vì có thể khiến cho các triệu chứng ho, khó thở, khàn giọng... nghiêm trọng hơn.
- Cần mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước.
- Cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, nên ăn những thức ăn dễ tiêu, ăn những thức ăn giải cảm như cháo hành, cháo tía tô... Bổ sung những thực phẩm giàu Vitamin C như nước cam, nước chanh muối...
- Uống thuốc hạ sốt ngay khi xuất hiện triệu chứng sốt. Cần uống theo chỉ định của bác sĩ, tránh lạm dụng thuốc.
- Nên súc họng và vệ sinh mũi hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Trong trường hợp bắt buộc phải đi ra ngoài thì nên mang khẩu trang y tế, che mũi miệng khi bị ho, hắt hơi. Nên dùng khăn giấy thấm các dịch tiết đường hô hấp sau khi ho, hắt hơi để tránh lây lan virus ra ngoài môi trường.
- Không chỉ người bệnh mà những người chăm sóc trực tiếp cho người bệnh cũng cần phải chú ý, vì sẽ là người dễ bị lây bệnh nhất bao gồm: Đeo khẩu trang y tế khi chăm sóc cho người bệnh.
- Thường xuyên rửa tay để loại bỏ virus bám vào tay trong quá trình chăm sóc.
- Khi có các triệu chứng sốt, ho, đau họng thì người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
10. CÂU HỎI HAY GẶP
Mắc cúm B thường sốt mấy ngày?
Dấu hiệu, triệu chứng cúm B dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm thông thường nhưng ở mức độ nghiêm trọng hơn. Việc phát hiện sớm dấu hiệu nhiễm cúm giúp ngăn ngừa lây nhiễm cho mọi người xung quanh, ngăn chặn virus phát triển nặng và có hướng điều trị kịp thời.
Người mắc cúm B có thể sốt nóng hoặc rét run, nhiệt độ cơ thể khoảng 39-41oC trong những ngày đầu phát bệnh và có thể kéo dài đến 5 ngày; ho, đau mỏi cơ, đổ mồ hôi có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần.
Bên cạnh đó, chúng ta cần lưu ý thêm một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm, cần can thiệp điều trị y khoa tại các cơ sở y tế, bao gồm:
Người lớn: Khó thở hoặc thở gấp, sốt cao trên 39oC kéo dài, đau tức ngực, chóng mặt, tiêu chảy kéo dài, nôn ói nhiều…
Trẻ em (trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ): Khó thở hoặc thở gấp, bỏ ăn, mê man, da xanh tái, sốt kèm phát ban hoặc sốt cao trên 38.5oC kéo dài, nôn ói nhiều…
Người già, người mắc bệnh lý mạn tính, người suy giảm miễn dịch có thể xảy ra biến chứng nặng nếu không may mắc cúm mà không được điều trị kịp thời.
Mắc cúm B mấy ngày thì khỏi?
Sau thời gian ủ bệnh và khởi phát bệnh, người mắc cúm B sẽ cần 5-7 ngày để đẩy lui các triệu chứng bệnh. Đa phần các triệu chứng cúm sẽ tự thuyên giảm sau 1 tuần nhưng cũng có những người nguy cơ cao (trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền mạn tính…) dễ gặp các biến chứng khi bị cúm thì không nên chủ quan điều trị tại nhà, nên đến khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Khi bị cảm cúm có thể tắm được không?
khi bị cảm cúm bạn vẫn có thể tắm được, nhưng phải tắm với nước ấm vì hơi nóng sẽ giúp cơ thể đào thải những chất độc qua da. Ngoài ra, hơi nước còn có tác dụng giúp người bệnh thư giãn, giảm mệt mỏi, giảm đờm trong cổ họng, loại bỏ cảm giác khó chịu ở mũi
Cúm B kiêng gì?
Bạn nên tránh uống sữa khi đang bị bệnh cảm cúm. Thịt đỏ, thực phẩm cay: Thịt đỏ không dễ tiêu hóa. Nó có thể khiến cơ thể phải nỗ lực để tiêu hóa khiến cơ thể mệt mỏi hơn. Thực phẩm chiên rán: Các thực phẩm nhiều dầu mỡ này sẽ khiến cơ thể tiêu hao năng lượng để tiêu hóa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://vsh.org.vn/xet-nghiem-chan-doan-benh-cum.htm