Gan nằm ở phần tư trên bên phải của bụng, ngay dưới xương sườn. Nó chịu trách nhiệm sản xuất mật. Khi thức ăn vào cơ thể, mật sẽ được tiết vào ruột để giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn.
Gan cũng dự trữ các chất dinh dưỡng như glucose, chất béo (lipid) và chất đạm (protein), giúp tạo năng lượng cho hoạt động sống của cơ thể.
Khi ung thư phát triển trong gan, nó sẽ phá hủy các tế bào gan và cản trở khả năng hoạt động bình thường của gan.
1. UNG THƯ GAN LÀ GÌ?
Ung thư gan là bệnh ung thư xảy ra ở gan. Gan là cơ quan nội tạng và tuyến bộ phận lớn nhất trong cơ thể, đảm nhiệm các chức năng quan trọng khác nhau giúp thải độc tố và các chất có hại ra khỏi cơ thể.
Ung thư gan thường được phân loại là nguyên phát hoặc thứ phát. Ung thư gan nguyên phát bắt đầu trong các tế bào của gan. Ung thư gan thứ phát phát triển khi các tế bào ung thư từ cơ quan khác di căn đến gan.
Tế bào ung thư có thể rời khỏi vị trí nơi ung thư bắt đầu. Các tế bào di chuyển đến các khu vực khác của cơ thể thông qua máu hoặc hệ thống bạch huyết. Sau đó, chúng tập hợp trong một cơ quan khác của cơ thể và bắt đầu phát triển ở đó.
Con số thống kê về bệnh:
Theo những con số thống kê về ung thư gan trong năm 2018, người ta đã phát hiện thêm 840.000 ca mắc ung thư gan mới trên toàn thế giới, trong đó số ca tử vong chiếm khoảng 700.000 ca. Tỷ lệ tử vong do ung thư gan rất cao, đa số là vì bệnh nhân phát hiện bệnh quá muộn, các biện pháp trị liệu không thể tác động hiệu quả. Nguyên nhân của hầu hết các trường hợp mắc ung thư gan là do nhiễm virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HVC), chiếm khoảng 78%. Tỷ lệ ung thư gan cũng có sự thay đổi đáng kể tùy theo giới tính, nam giới mắc ung thư gan cao hơn nữ giới.
2.NGUYÊN NHÂN
Không phải tất cả các trường hợp ung thư gan đều xác định được nguyên nhân gây bệnh. Nhiễm viêm gan siêu vi mạn tính là nguyên nhân thường gặp. Ung thư xảy ra khi các tế bào gan xuất hiện đột biến ở DNA – chất liệu mang thông tin hướng dẫn sự tổng hợp và thực hiện các quá trình sinh hóa trong cơ thể con người. Đột biến DNA có thể làm các tế bào phát triển không kiểm soát và hình thành các khối u – tập hợp các tế bào ung thư.
Ung thư gan dù là nguyên phát hay thứ phát (từ một cơ quan khác di căn đến) thì căn bệnh này chỉ xảy ra khi các tế bào gan xuất hiện những gene đột biến, dẫn đến các tế bào phát triển không kiểm soát và hình thành khối u.
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Ở giai đoạn đầu của ung thư gan, đa số bệnh nhân không gặp phải triệu chứng gì. Tuy nhiên, khi triệu chứng xuất hiện, chúng có thể bao gồm:
- Đau bụng
- Trướng bụng
- Vàng da và mắt
- Đi ngoài phân trắng/ bạc màu
- Buồn nôn, nôn
- Chán ăn
- Dễ bị bầm tím hoặc chảy máu
- Mệt mỏi
- Sụt cân
4. BIẾN CHỨNG
Những người bị ung thư gan đôi lúc có thể bị suy gan, xảy ra khi gan không thể kéo dài đầy đủ chức năng. Suy gan thường xảy ra khi có tổn thương tế bào gan kéo dài.
Thận cũng có thể bị suy, mất khả năng lọc máu và thải chất thải làm cho nồng độ của những chất nguy hiểm này tích luỹ trong cơ thể. Có thể có rất nhiều biến chứng, tuy nhiên lúc này ung thư gan đã di căn tới các cơ quan khác.
5.BỆNH CÓ NGUY HIỂM KO?
Ung thư gan là một căn bệnh nguy hiểm. Bệnh thường diễn biến âm thầm, phát hiện ở giai đoạn muộn do đó rất khó khăn cho việc điều trị.
Ung thư gan là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 chỉ sau ung thư phổi và ung thư dạ dày. Tiên lượng bệnh rất xấu, thời gian sống thêm trung bình của bệnh nhân chỉ từ 3 - 6 tháng từ khi phát hiện bệnh. Đa phần các bệnh nhân ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi chức năng gan đã suy giảm, khối u đã có xâm lấn, di căn khiến việc chữa trị gặp nhiều khó khăn, đáp ứng điều trị kém, hiệu quả điều trị rất hạn chế.
6. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Dưới đây là một số yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ phát triển ung thư gan đó là:
Độ tuổi: những người trên 50 tuổi thường mắc bệnh ung thư gan phổ biến hơn người trẻ.
Uống nhiều đồ uống có cồn: việc uống nhiều rượu bia, hay sử dụng chất kích thích, đồ uống chứa cồn mỗi ngày trong nhiều năm sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Bị viêm gan B hoặc C trong thời gian dài: điều này có thể làm tổn thương gan của bạn nghiêm trọng. Vì viêm gan siêu vi lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người bệnh, chẳng hạn như máu hoặc tinh dịch của họ. Nó cũng có thể được truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm gan B và C bằng cách sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, tiêm vắc xin cũng giúp bảo vệ bạn chống lại bệnh viêm gan.
Xơ gan: là một dạng tổn thương gan, trong đó mô khỏe mạnh được thay thế bằng mô sẹo. Gan bị sẹo không thể hoạt động bình thường và cuối cùng có thể dẫn đến nhiều biến chứng, bao gồm cả ung thư gan. Lạm dụng rượu trong thời gian dài và viêm gan C là những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh xơ gan.
Tiếp xúc với aflatoxin: Aflatoxin là một chất độc được tạo ra bởi một loại nấm mốc có thể phát triển trên lạc, ngũ cốc và ngô.
Bệnh tiểu đường và béo phì: những người mắc bệnh tiểu đường có xu hướng thừa cân hoặc béo phì, điều này có thể gây ra các vấn đề về gan và tăng nguy cơ ung thư gan.
7. PHÒNG NGỪA
1. Rèn Luyện Thể Thao, Tập Thể Dục Để Tăng Cường Sức Khỏe
Việc tăng cường luyện tập thể thao sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, phòng trừ được sự phát sinh của xơ gan và ung thư gan.
2. Kiểm Tra Sức Khỏe Định Kỳ
Khả năng mắc bệnh viêm gan B, viêm gan C cao hơn so với những người mắc bệnh ung thư gan khoảng 10- 30 lần. kiểm tra định kỳ với người từ 35 tuổi trở lên biểu hiện mắc bệnh viêm gan B là dương tính, mắc viêm gan, xơ gan 5 năm trở lên. Những người trong gia đình có lịch sử mắc bệnh ung thư gan của ba thế hệ nửa năm kiểm tra định kỳ qua siêu âm và qua anpha fetoportein. Phát hiện sớm giai đoạn đầu của ung thư gan là một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư gan hiệu quả nhất.
3. Tránh Xa Những Hóa Chất Gây Hại
Chất gây ung thư của độc tố aflatoxin trong nấm cao hơn 75 lần so với các chất gây ung thư nitrosamine đã được công nhận, ăn thức ăn bị mốc rất dễ gây ung thư gan. Vì thế chúng ta cần tránh xa những chất có khả năng gây hại cao cho gan để phòng tránh nguy cơ bị ung thư gan.
4. Ăn Uống Hợp Lý
Trong loại dầu cũ có chứa chất Malondialdehyde, đây là thành phần hóa học,nó có thể sản sinh ra polime phản ứng với protein và Deoxyribonucleic acid trong cơ thể con người làm cho kết cấu của protein thay đổi,dẫn đến tế bào của protein bị mất đi chức năng thông thường và làm cho giai đoạn đầu của ung thư bị chuyển hóa.
Các món ăn có chứa nhiều dầu mỡ, chiên nướng… có chứa nhiều protein, khi gặp nhiệt độ cao sẽ bị biến chất, có nguy cơ dẫn đến các bệnh ung thư.
Acetaldehyde có trong rượu, bia rất độc hại đối với cơ thể, có thể dẫn đến tổn thương tế bào, tích mỡ trong tế bào gan, chứng viêm tế bào gan, cuối cùng có thể dẫn đến tê cứng gan, một bộ phận của gan bị cứng sẽ chuyển biến thành ung thư gan. Vì thế chúng ta cần hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thức uống có cồn.
5. Tăng Cường Thực Phẩm Tốt Cho Gan
Việc tăng cường bổ sung những thực phẩm tốt cho gan cũng sẽ giúp cho cơ chế hoạt động của gan thuận lợi hơn, chúng bổ sung những dưỡng chất cần thiết, hỗ trợ gan thực hiện những chức năng của mình trong cơ thể. Vài loại thực phẩm bổ sung vitamin cũng giúp cho hệ miễn dịch cơ thể tốt hơn.
8. CHẨN ĐOÁN
Để chẩn đoán ung thư gan, trước tiên bác sĩ cần thăm khám sức khỏe của bạn và hỏi về tiền sử bệnh. Nếu bạn có tiền sử lạm dụng rượu lâu dài hoặc nhiễm viêm gan B hoặc C mạn tính thì nên thông báo ngay với bác sĩ.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư gan, bao gồm:
Các xét nghiệm chức năng gan: thực hiện bằng cách đo nồng độ protein, men gan và bilirubin trong máu giúp bác sĩ xác định sức khỏe của gan hiện tại.
Sự hiện diện của alpha-fetoprotein (AFP) trong máu có thể là một dấu hiệu của ung thư gan. Protein này thường chỉ được sản xuất trong gan và túi noãn hoàng của trẻ trước khi sinh ra. Sản xuất AFP thường ngừng sau khi sinh.
Chụp CT hoặc MRI: giúp tạo ra hình ảnh chi tiết của gan và các cơ quan khác trong ổ bụng, từ đó giúp bác sĩ xác định vị trí khối u đang phát triển, xác định kích thước của nó và đánh giá xem liệu nó có di căn sang các cơ quan khác hay không.
Sinh thiết gan: thực hiện bằng cách gây mê để giúp bệnh nhân không đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Trong hầu hết các trường hợp, sinh thiết được thực hiện bằng kim. Bác sĩ sẽ đưa một cây kim mỏng qua bụng và vào gan của bạn để lấy mẫu mô. Sau đó, mẫu được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm các dấu hiệu của bệnh ung thư.
Nội soi: sử dụng một ống nhỏ, linh hoạt có gắn camera, cho phép bác sĩ xem tình trạng gan như thế nào. Nội soi được đưa vào qua một vết rạch nhỏ ở bụng. Nếu cần lấy mẫu mô từ các cơ quan khác, bác sĩ sẽ rạch một đường lớn hơn. Đây được gọi là phẫu thuật mở bụng.
9. ĐIỀU TRỊ
Việc điều trị ung thư gan phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, chức năng gan, độ tuổi và tổng trạng sức khỏe của người bệnh. Các phương pháp điều trị gồm:
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật cắt bỏ khối u: là lựa chọn đối với các bệnh nhân ở giai đoạn sớm có tình trạng chức năng gan bình thường.
Phẫu thuật ghép gan: là phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn gan bệnh và thay thế bằng gan khỏe mạnh của người cho. Ghép gan chỉ là lựa chọn cho một tỉ lệ nhỏ các bệnh nhân ung thư gan giai đoạn sớm.
2. Điều trị tại chỗ
Là các liệu pháp điều trị trực tiếp vào các tế bào ung thư và các mô gan xung quanh khối u. Liệu pháp này bao gồm:
Hủy khối u gan bằng nhiệt: trong quá trình huỷ u gan bằng sóng cao tần, dòng điện được sử dụng để đốt và tiêu diệt các tế bào ung thư. Với sự trợ giúp hình ảnh của siêu âm hoặc CT scan, các bác sĩ sẽ sử dụng kim nhỏ đưa vào vùng bụng vào gan. Khi đầu kim tiếp cận khối u gan, kim sẽ phát ra dòng điện và tiêu huỷ các tế bào ung thư.
Áp lạnh: áp lạnh sử dụng nhiệt độ cực thấp để tiêu huỷ các tế bào ung thư. Trong quá trình thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò áp lạnh và đưa trực tiếp nitơ lỏng đến khối u thông qua định vị bằng máy siêu âm.
Tiêm cồn trực tiếp vào khối u: Cồn (alcohol) sẽ được tiêm trực tiếp từ da qua gan đến khối u và làm huỷ các tế bào ung thư.
Dẫn truyền các hóa chất/ phóng xạ trực tiếp đến khối u: Qua một ống dẫn đi từ mạch máu lớn đến gan, các bác sĩ sẽ truyền các hóa chất (chất làm thuyên tắc) hoặc các vi cầu có phóng xạ trực tiếp đến khối u.
3. Xạ trị
Xạ trị sử dụng cao năng lượng từ tia X và proton có thể được lựa chọn ở những bệnh nhân không còn khả năng phẫu thuật. Trong quá trình xạ trị, bệnh nhân sẽ được nằm trên bàn và máy xạ trị sẽ chiếu tia xạ trực tiếp đến vị trí đã đánh dấu trên cơ thể. Một liệu pháp xạ trị chuyên biệt là liệu pháp xạ trị xác định vị trí cơ thể trong không gian, tập trung nhiều tia phóng xa tạu một thời điểm vào một vị trí trên cơ thể
Liệu pháp nhắm đích
Các thuốc ngắm trúng đích như Sorafenib (Nexavar), có thể làm chậm tiến triển ở những bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến xa.
Thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng đem đến cơ hội để bệnh nhân có thể được thử nghiệm phương pháp điều trị ung thư mới. Hãy liên hệ với bác sĩ của bạn để xem mình có đủ tiêu chuẩn để tham gia các thử nghiệm lâm sàng hay không.
Điều trị bổ trợ trong bệnh ung thư gan
Điều trị bổ trợ có thể giúp kiểm soát cơn đau ở bệnh nhân ung thư gan giai đoạn tiến triển. Bác sĩ sẽ làm giảm cơn đau bằng các liệu pháp và thuốc. Tuy nhiên đôi khi cơn đau vẫn tồn tại và bệnh nhân mong muốn giảm bớt các tác dụng phụ của thuốc. Các liệu pháp giảm đau bỗ trợ gồm:
- Xoa bóp ấn huyệt
- Châm cứu
- Hít thở sâu
- Liệu pháp âm nhạc
Điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối
Đây là phương thức điều trị đặc hiệu tập trung vào các biện pháp giảm đau và làm giảm các triệu chứng của bệnh. Các chuyên gia về lĩnh vực chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối sẽ phối hợp với bệnh nhân, gia đình và các bác sĩ điều trị để tạo sự hỗ trợ tối đa cho việc chăm sóc bệnh nhân. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được tiến hành song song với các liệu pháp điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Cùng với chăm sóc giảm nhẹ, bệnh nhân sẽ cảm thấy tốt hơn và giúp kéo dài thời gian sống còn. Chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện bởi đội ngũ các bác sĩ, điều dưỡng và chuyên gia được huấn luyện chuyên biệt, với mục đích làm tăng chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và gia đình.
Quản lý sức khỏe bản thân
Thích nghi và cải thiện: Việc biết rằng chúng ta mang trong người căn bệnh nguy hiểm, đe doạ đến tính mạng có thể làm suy sụp ý chí sinh tồn của bệnh nhân. Mỗi người cần tìm cho mình cách để thích nghi khi được chẩn đoán ung thư gan.
10. CÂU HỎI HAY GẶP
Bệnh nên kiêng gì khi bị ung thư gan?
– Không ăn thực phẩm có chứa aflatoxin: Những thực phẩm như lúa mì, lạc, ngô, đậu nành… bị mốc chứa rất nhiều chất này và khiến con người dễ bị ung thư gan nặng hơn nếu hấp thụ nhiều. Con người có thể bị nhiễm aflatoxin do ăn phải các loại ngũ cốc bị ô nhiễm hoặc ăn thịt các động vật được nuôi bằng ngũ cốc nhiễm aflatoxin.
Bệnh ung thư gan sống được bao lâu?
Tùy theo từng giai đoạn bệnh mà bác sĩ có thể dự đoán được thời gian sống của bệnh nhân:
- Giai đoạn 1: cơ hội sống trên 5 năm khoảng 31%
- Giai đoạn 2: cơ hội sống trên 5 năm khoảng 19%
- Giai đoạn 3: cơ hội sống trên 5 năm khoảng 11%
- Giai đoạn 4: cơ hội sống trên 5 năm khoảng 3%
TÀI LIỆU THAM KHẢO
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/liver-cancer/home/ovc-20198165