1. GIỚI THIỆU BỆNH
Tai biến mạch máu não là các thiếu sót thần kinh với các triệu chứng khu trú hơn là lan tỏa xảy ra đột ngột do mạch máu não (động mạch, mao mạch và hiếm hơn là tĩnh mạch) bị vỡ hoặc tắc mà không do chấn thương sọ não. Lúc này não sẽ không được cung cấp oxy và dưỡng chất khiến các tế bào não chết dần. Thời gian càng dài thì não tổn thương càng nặng, bệnh nhân sẽ tiến gần với bờ vực tử vong thêm một bước. Các cơ quan trên cơ thể được điều khiển bởi não bộ sẽ không tiếp tục hoạt động được nữa khiến bệnh nhân bị tê liệt, không giao tiếp được,...
Tai biến mạch máu não bao gồm: Nhồi máu não và xuất huyết não, màng não. Đây là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và Thế Giới. Để lại nhiều di chứng và tốn kém chi phí điều trị.
Nhồi máu não: Chiếm 80% tổng số ca bệnh, nguyên nhân do lưu lượng tuần hoàn máu lên não bị hẹp hoặc tắc. Lúc này một phần não sẽ bị ngừng cung cấp máu, càng kéo dài thời gian sẽ khiến khu vực đó bị hoại tử. Khi bệnh nhân bị tai biến do nhồi máu não có thể cấp cứu trong khoảng 4 tiếng từ khi phát bệnh. Tuy nhiên, đưa bệnh nhân đến viện càng sớm càng tốt để hạn chế tổn thương não, giúp giảm đi những nguy cơ để lại di chứng cho cơ thể.
Xuất huyết não - màng não:
Chỉ chiếm 20% tổng số ca bệnh, tuy nhiên tử lệ tử vong cực kỳ cao, nguyên nhân do máu tràn vào mô và làm tổn thương đến não gây nên tình trạng phù não. Lúc này áp lực các mô xung quanh tăng lên, hậu quả sẽ giết chết các tế bào não và vỡ mạch não. Thời gian “vàng” dùng để cấp cứu bệnh nhân tai biến do xuất huyết não chỉ tính bằng đơn vị phút. Chính vì vậy nguy cơ tử vong trong trường hợp này rất cao nếu không có biện pháp sơ cứu và cấp cứu kịp thời.
Xuất huyết màng não ( xuất huyết dưới nhện) tự phát: đa số do vỡ túi phình động mạch não.
Các giai đoạn của tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não được chia thành 3 giai đoạn tiến triển chính, bao gồm:
Giai đoạn khởi đầu
Đây là giai đoạn đầu tiên của bệnh, chưa xảy ra những biểu hiện không nghiêm trọng hoặc không quá đặc trưng, khiến chúng ta dễ nhầm lẫn với các bệnh khác hoặc bỏ qua dấu hiệu bệnh.
Giai đoạn quyết định
Sau giai đoạn khởi đầu, tai biến mạch máu não sẽ chuyển qua giai đoạn nặng hơn. Nếu can thiệp ở giai đoạn này thì người bệnh vẫn có khả năng sống sót tuy nhiên sẽ có biến chứng nghiêm trọng như rối loạn thực vật, hôn mê, liệt nửa người,…
Giai đoạn tiến triển
Giai đoạn tiến triển chính là giai đoạn cuối cùng của một người bị tai biến mạch máu não, cũng chính là giai đoạn nguy hiểm nhất. Nếu bỏ qua giai đoạn này thì người bị tai biến sẽ có nguy cơ tử vong rất cao. Các trường hợp cấp cứu, can thiệp trong giai đoạn này cũng khó khăn hơn và tỷ lệ thành công thấp hơn.
2. NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu não thường sẽ khác nhau tùy theo loại tai biến mà người bệnh mắc phải. Cụ thể:
Tai biến hay đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Người bị tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ thường do có máu đông chặn dòng chảy của máu cũng như oxy đi nuôi các tế bào não. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do các chất béo bám thành mảng, nằm ở động mạch và ngăn dòng chảy của máu. Tình trạng này được gọi là xơ vữa động mạch. Vì thế, có thể nói xơ vữa động mạch là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai biến do thiếu máu cục bộ.
Ngoài ra, tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến tai biến mạch máu não. Động mạch của chúng ta thường có xu hướng hẹp hơn khi chúng ta già đi, khiến nguy cơ bị thiếu máu lên não cao hơn.
Đột quỵ do xuất huyết não
Nguyên nhân chính của tình trạng tai biến mạch máu não do xuất huyết não là do huyết áp cao khiến các mạch máu trong hộp sọ vỡ ra và chảy máu vào xung quanh não.
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Bên cạnh nắm được thông tin tai biến mạch máu não là gì, việc nhận biết một số dấu hiệu bệnh sẽ giúp sớm có biện pháp can thiệp kịp thời:
Cơ mặt tê cứng, cười méo miệng, nói lắp
Tai biến khiến lượng oxy lên não không đủ do đó ảnh hưởng đến các dây thần kinh trên cơ mặt. Bệnh nhân sẽ bị tê liệt một phần hoặc một nửa mặt, nhiều trường hợp không cử động được. Khi yêu cầu bệnh nhân cười, nụ cười bị lõm đi so với bình thường, một nửa bên mặt bị xệ xuống thì nguy cơ bị tai biến rất cao.
Ngoài ra tai biến còn ảnh hưởng đến khả năng nói của bệnh nhân, cụ thể như nói lắp, nói không rõ chữ, nói ú ớ khó hiểu,...
Thị lực suy giảm, hoa mắt chóng mặt
Khi thiếu oxy lên não gây nên tình trạng thùy não bộ hoạt động kém dẫn khiến thị lực bị ảnh hưởng. Đây là dấu hiệu mà người xung quanh không phát hiện được, do đó nếu bản thân cảm thấy mắt nhòe đi, mờ dần thì phải báo ngay để có những biện pháp kịp thời.
Ngoài ra hoa mặt chóng mặt là tình trạng bình thường khi não không đủ oxy, nhưng hiện tượng này khá phổ biến trong đời sống hàng ngày, chính vì thế cần kết hợp thêm một số biểu hiện khác nữa mới đưa ra kết luận chính xác nhất.
Đau đầu
Một dấu hiệu của tai biến mà bạn cần chú ý là đau đầu dữ dội từng cơn, mức độ đau gia tăng theo thời gian. Cần đưa người bệnh đến viện ngay lập tức khi có biểu hiện trên để tránh tình trạng chết não.
Bên cạnh những biểu hiện tiêu biểu như trên thì còn một số dấu hiệu như dáng đi bất thường, nấc cụt hoặc khó thở. Khi bản thân xuất hiện 2-3 biểu hiện như chúng tôi đã liệt kê ở trên thì bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ. Điều cần làm là nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp và cứu chữa kịp thời.
3.2 DI CHỨNG
Các biến chứng sau đột quỵ có thể khác nhau tùy thuộc nhiều yếu tố như nguyên nhân tai biến, người bệnh có được điều trị kịp thời hay không, phương pháp điều trị có phù hợp với nguyên nhân tai biến,… Người bệnh càng được cấp cứu sớm bao nhiêu thì sẽ càng tránh được các biến chứng nguy hiểm bấy nhiêu.
Một số biến chứng tai biến mạch máu não thường gặp bao gồm:
- Phù não
- Động kinh
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
- Liệt một bên tay, chân hoặc cả hai bên
- Mất khả năng vận động
- Rối loạn nuốt
- Xẹp phổi
- Viêm phổi
- Nhồi máu cơ tim
- Đau vai
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Co cứng cơ
- Lo lắng, căng thẳng quá mức
- Rối loạn giấc ngủ
- Trầm cảm
Thông thường, phải mất ít nhất 30 ngày thì một người bị tai biến mạch máu não mới có thể hồi phục. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, các biến chứng tai biến mạch máu não kéo dài vĩnh viễn, chỉ có thể can thiệp để làm thuyên giảm biến chứng, không thể hồi phục hoàn toàn.
4. BỆNH CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Tai biến mạch máu não là tình trạng bệnh lý rất nguy hiểm và gây tử vong hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. Những người bị tai biến, nhất là tai biến mạch máu não nặng thì thường mắc phải những di chứng nặng nề như liệt nửa người, rối loạn nhận thức...
Tai biến mạch máu não tăng theo lứa tuổi nhất là từ 50 tuổi trở lên. Nam thường ưu thế hơn giới nữ. Ở các nước công nghiệp phát triển Âu Mỹ nhồi máu não chiếm khỏang 80 %, ở nước ta thì khoảng 60 % số tai biến mạch não, còn lại là xuất huyết não. Ðể đánh giá tình hình tai biến máu não phải dựa vào 3 tỷ lệ sau đây:
Tỷ lệ mới mắc (incidence) theo Tổ chức Y tế thế giới (TCYTTG) là 150-250 /100.000, ở nước ta nói chung từ 20 đến 35 /100.000, tại Huế là 27,71/ 100000 dân theo điều tra dịch tễ học năm 1989- 1994. Tỷ lệ hiện mắc (prevalence) theo TCYTTG là 500-700/100.000 dân, ở nước ta khoảng 4585/100.000, tại Huế 61,60/100000 dân.
Tỷ lệ tử vong (mortality) trên 100.000 dân nói lên tính chất trầm trọng của bệnh. Tỷ lệ này rất khác nhau giữa các nước từ 35-240/100.000 dân, ở nước ta 20-25/100.000 dân, tại Huế là 19,22/100000 dân
5. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Những người dễ bị tai biến mạch máu não hay có nguy cơ cao bị tai biến thường thuộc các nhóm sau đây:
- Thừa cân, béo phì
- Nghiện thuốc lá, thường xuyên hút thuốc
- Uống quá nhiều rượu, bia và đồ uống có cồn
- Ít vận động, tập thể dục
- Thường lo lắng, căng thẳng, bị rối loạn lo âu kéo dài
- Huyết áp cao (tăng huyết áp)
- Mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh lý tim mạch
- Ăn đồ có hàm lượng chất béo, dầu mỡ cao
- Nam giới và phụ nữ khi bước qua tuổi trung niên
- Tiền sử gia đình có người từng bị tai biến
6. PHÒNG NGỪA
Phòng bệnh cấp 0
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ song đáng chú ý nhất là tăng huyết áp và xơ vữa động mạch rất thường gặp ở lứa tuổi từ 50 trở lên. Do đó, nên có thông tin rộng rãi để các đối tượng trên để được theo dõi huyết áp đều đặn và áp dụng các biện pháp phòng tăng huyết áp như tránh ăn mặn, căng thẳng tinh thần, tránh ăn nhiều gây mập phì, tránh các chất kích thích như rượu, cà phê, thuốc lá; tránh gió lùa, mặc ấm khi thay đổi thời tiết nhất là từ nóng chuyển sang lạnh hay đang nằm trong chăn ấm tránh ra lạnh đột ngột. Ngoài ra cần phòng thấp tim một cách hiệu quả để tránh tổn thương van tim như tránh ở nơi ẩm thấp, giữ ấm cổ khi trời lạnh để tránh viêm họng... khi bị thấp tim phải được theo dõi và điều trị đúng.
Phòng bệnh cấp 1
Khi có yếu tố nguy cơ phải điều trị để tránh xảy ra tai biến. Cần theo dõi và điều trị tăng huyết áp, chống ngưng tập tiểu cầu bằng aspirine 150300 mg/ngày hay disgren 300mg /ngày khi có xơ vữa động mạch, điều trị hẹp hai lá bằng chống đông khi có rung nhĩ hay nông van hoặc thay van...
Phòng bệnh cấp 2
Khi đã xảy ra tai biến nhất là tai biến thoáng qua phải tìm các yếu tố nguy cơ để can thiệp tránh xảy ra tai biến hình thành. Nếu đã xảy ra tai biến hình thành thì tránh tái phát bằng cách điều trị các bệnh nguyên cụ thể cho từng cá thể.
Phòng bệnh cấp 3
Thay đổi tư thế kèm xoa bóp mỗi 1-2 giờ hay nằm đệm nước để tránh loét. Vận động tay chân sớm để tránh cứng khớp. Kết hợp với khoa phục hồi chức năng để luyện tập cho bệnh nhân đồng thời hướng dẫn cho thân nhân tập luyện tại nhà. Ðòi hỏi sự kiên trì tập luỵên vì hồi phục kéo dài đến hai năm sau tai biến.
7. CHẨN ĐOÁN
Chẩn đoán xác định: theo Tổ chức Y tế thế giới để xác định TBMMN thì cần có 3 tiêu chuẩn lâm sàng đó là có triệu chứng thần kinh khu trú, triệu chứng đó xảy ra đột ngột và không có chấn thương sọ não. Với ba tiêu chuẩn lâm sàng trên thì độ chính xác 95- 99 %. Tuy nhiên có giá trị nhất là chụp não cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ não.
Chẩn đoán phân biệt:
U não, apxe não: thường khởi đầu từ từ, các dấu hiệu thần kinh khu trú lan như vết dầu loang và có triệu chứng tăng áp lực nội sọ.
Tụ máu dưới màng cứng mạn: khó phân biệt trong những trường hợp chấn thương nhẹ trước đó vài tuần, vài tháng, khởi bệnh thường từ từ với đau đầu buổi sáng, tinh thần trì trệ, gõ xương sọ đau vùng tụ máu, thiếu sót chức năng não. Phân biệt nhờ chụp mạch não hoặc chụp não cắt lớp vi tính (CNCLVT).
8. ĐIỀU TRỊ
Nguyên tắc chung để điều trị tai biến/đột quỵ chính là cấp cứu sớm và can thiệp chính xác, nhằm hạn chế các biến chứng cũng như giảm tối đa nguy cơ tử vong. Khi thấy người có triệu chứng tai biến nhẹ hay nặng thì cần lập tức gọi xe cấp cứu và hỗ trợ đưa người bệnh đến bệnh viện. Ngoài ra, cũng cần lưu ý giữ cho người bệnh không bị té ngã, đặt người bệnh nằm nghiêng để bảo vệ đường thở.
Trước và trong khi đưa người bệnh đi cấp cứu, tuyệt đối không cho người bệnh ăn uống gì và không tự ý điều trị bằng các biện pháp như châm cứu, bấm huyệt, đánh gió,… Cũng không nên cho người bị tai biến uống thuốc huyết áp hoặc các loại thuốc khác mà chỉ theo dõi biểu hiện xem người bệnh có nôn mửa, co giật, méo miệng,… hay không.
Khi đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ chẩn đoán người bệnh có bị tai biến mạch máu não hay không. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, để xác định tai biến mạch máu não thì cần có 3 tiêu chuẩn lâm sàng sau đây:
Có triệu chứng thần kinh khu trú
Triệu chứng xảy ra đột ngột
Không có chấn thương sọ não
Nếu có đủ 3 tiêu chuẩn trên thì khả năng người bệnh bị tai biến mạch máu não lên đến 95-99%. Lúc này, bác sĩ có thể cho tiến hành chụp não cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ não, xác định nguyên nhân tai biến mạch máu não là do tắc nghẽn mạch máu hay xuất huyết não mà có phương pháp can thiệp thích hợp để hạn chế ổ tổn thương lan rộng.
Việc điều trị tai biến mạch máu não kịp thời không chỉ giúp cứu sống người bệnh, hạn chế biến chứng mà còn dựa trên nguyên tắc để người bệnh phục hồi nhanh nhất, phòng ngừa nguy cơ đột quỵ tái phát.
9. CÂU HỎI HAY GẶP
Cần làm gì để sơ cứu bệnh nhân tai biến?
Khi bệnh nhân bị tai biến thì người nhà phải biết một số thao tác cơ bản sau trong thời gian chờ đợi xe cứu thương:
- Báo cáo rõ tình trạng của bệnh nhân để các y bác sĩ chuẩn bị, điều này rất có ích trong quá trình cấp cứu.
- Nới lỏng quần áo, tư thế nằm nghiêng an toàn (hay còn gọi là tư thế hồi sức cấp cứu) là tư thế nhằm bảo vệ đường thở của bệnh nhân, cũng lựa chọn tốt nhất trong việc đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.
- Nếu người bệnh bị nôn cần nghiêng đầu sang một bên để tránh tính trạng xộc lên mũi gây khó thở. Khi nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa và ý thức không hoàn toàn tỉnh táo, sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Do đó cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên để các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
- Nếu có hiện tượng co giật ngay lập tức lấy que hoặc đũa có quấn vải để ngang giữa hai hàm răng, việc này giúp cho bệnh nhân không cắn vào lưỡi.
Khi bản thân xuất hiện những dấu hiệu của tai biến thì bạn nên đi khám sàng lọc nguy cơ đột quỵ để phát hiện sớm các mối nguy hại, giúp bảo vệ sức khỏe bản thân trong tương lai.
Chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não
Cách chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não còn phụ thuộc vào biến chứng mà người bệnh gặp phải sau điều trị. Khi chăm sóc người bệnh, cần lưu ý một số vấn đề như:
Hỗ trợ người bệnh xoay trở tư thế thường xuyên (30 phút/lần) với người bệnh không cử động được, bị liệt nửa người hoặc toàn thân;
Thường xuyên vệ sinh vùng kín để tránh nhiễm trùng đường tiết niệu;
Cung cấp chế độ dinh dưỡng đầy đủ các nhóm chất; cho người bệnh ăn thức ăn loãng, ăn chậm để tránh gây sặc dẫn đến viêm phổi do hít sặc;
Giữ phòng ngủ người bệnh được sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh, giúp người bệnh được nghỉ ngơi tốt hơn;
Tuân theo phác đồ điều trị từ bác sĩ;
Người bị tai biến mạch máu não sau khi điều trị bị căng cứng cơ, liệt nửa người có thể tập vật lý trị liệu, châm cứu, massage,… để tăng tỷ lệ phục hồi;
Thường xuyên trò chuyện, trấn an tinh thần người bệnh do người bị tai biến rất dễ bị sang chấn tâm lý và rối loạn lo âu, lo sợ sẽ bị đột quỵ tái phát dẫn đến tử vong. Nên kiên nhẫn với người bệnh, hạn chế bày tỏ thái độ khó chịu, kỳ thị.
Tai biến mạch máu não có quan hệ tình dục được không?
Khi có dấu hiệu tai biến mạch máu não, người bệnh cần được cấp cứu càng sớm càng tốt. Trong thời gian chờ cấp cứu, người bệnh chỉ nên nằm yên, tránh bất kỳ hoạt động nào.
Tai biến mạch máu não nguy hiểm không?
Câu trả lời là có. Người bị tai biến mạch máu não nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng, có thể bị liệt nửa người hoặc thậm chí sống đời sống thực vật.
Và tai biến mạch máu não cũng là bệnh có nguy cơ tử vong cao thứ 2 trên toàn thế giới. Nhiều trường hợp tai biến mạch máu não dẫn đến tử vong khi không can thiệp sớm trong “thời gian vàng”.
Tai biến mạch máu não có nên châm cứu không?
Nếu có triệu chứng tai biến, không nên tự điều trị bằng cách châm cứu để tránh các biến chứng có thể xảy ra, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Tốt nhất, nên đưa người có dấu hiệu đột quỵ đến bệnh viện để được bác sĩ có chuyên môn can thiệp điều trị.
Người được điều trị tai biến, nếu có các biến chứng như tay chân tê cứng, khó cử động, đi lại khó khăn,… thì có thể áp dụng biện pháp châm cứu để tăng tốc độ phục hồi, giúp người bệnh sớm quay lại cuộc sống bình thường.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://tamanhhospital.vn/tai-bien-mach-mau-nao/
https://healthvietnam.vn/thu-vien/tai-lieu-tieng-viet/than-kinh/chan-doan-dieu-tri-tai-bien-mach-mau-nao