1. HUYẾT ÁP CAO LÀ GÌ?
Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: Tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,...
Một số loại cao huyết áp chủ yếu, bao gồm:
Cao huyết áp vô căn (hay nguyên phát, bệnh tăng huyết áp): không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp;
Tăng huyết áp thứ phát(Tăng huyết áp là triệu chứng của một số bệnh khác): Liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết;
Cao tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường;
Tăng huyết áp khi mang thai, bao gồm tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật: Cảnh báo một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.
Chỉ số huyết áp
Theo hướng dẫn mới cập nhật của ESC năm 2018, tùy vào mức độ nghiêm trọng, cao huyết áp được phân loại như sau:
- Huyết áp tối ưu: Dưới 120/80 mmHg;
- Huyết áp bình thường: Từ 120/80 mmHg trở lên;
- Huyết áp bình thường cao: Từ 130/85 mmHg trở lên;
- Tăng huyết áp độ 1: Từ 140/90 mmHg trở lên;
- Tăng huyết áp độ 2: Từ 160/100 mmHg trở lên;
- Tăng huyết áp độ 3: Từ 180/110 mmHg trở lên;
- Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, trong khi huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg
Tiền tăng huyết áp khi:
Huyết áp tâm thu > 120 - 139mmHg và huyết áp tâm trương > 80-89mmHg. Ngoài ra, theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp đạt dưới 120/80 mmHg được coi là mức bình thường. Khi huyết áp luôn ở mức từ 140/90 mmHg trở lên thì được xem là tình trạng tăng huyết áp.
Thống kê về bệnh:
Cao huyết áp là bệnh lý tim mạch nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng” vì toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra trong âm thầm không có triệu chứng. Hiện nay Việt Nam có khoảng 12 triệu người mắc phải, nghĩa là trung bình cứ 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Năm 2016, tỷ lệ này ở mức báo động đỏ với hơn 40% người lớn bị tăng huyết áp.
2. NGUYÊN NHÂN
Như đã đề cập, hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đều không rõ nguyên nhân và được gọi là tăng huyết áp vô căn. Loại này thường là do di truyền, phổ biến hơn ở nam giới.
Bên cạnh đó, Chỉ có 10% các trường hợp mắc bệnh do các nguyên nhân như:
- Tuổi tác càng lớn, nguy cơ bị tăng huyết áp càng cao.
- Cân nặng.
- Ăn mặn gây tăng huyết áp bởi muối làm tăng hấp thu nước vào máu.
- Chế độ ăn giàu chất béo, nhất là chất béo bão hòa.
- Tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình của bạn có người mắc bệnh cao huyết áp thì nguy cơ bạn cũng mắc bệnh này rất cao.
- Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị tăng huyết áp cao.
- Giới tính: Đàn ông sau 45 tuổi có nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn phụ nữ. Phụ nữ có nguy cơ bị huyết áp cao sau mãn kinh.
- Lười vận động, không tập luyện thể dục.
- Uống nhiều bia, rượu.
- Mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tim mạch…
- Bệnh thận cấp tính hoặc mạn tính, hẹp động mạch thân, uy tủy thượng thận.
- Hội chứng Cushing.
- Hội chứng Conn – cường Aldosteron tiên phát.
- Căng thẳng tâm lý.
- Huyết áp cao do tác dụng phụ của thuốc tránh thai, thuốc cảm, kháng viêm Non-steroid, corticoid.
- Nhiễm độc thai nghén.
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Huyết áp có thể tăng lên mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Một số trường hợp có thể xuất hiện một số dấu hiệu nhưng thường không rõ ràng. Chỉ khi bệnh tăng huyết áp trở nặng, người bệnh mới cảm nhận rõ ràng những triệu chứng tăng huyết áp.
Một số triệu chứng điển hình nghi ngờ bệnh tăng huyết áp:
- Đau đầu, hoa mắt, ù tai, mất thăng bằng.
- Thở nông.
- Chảy máu mũi.
- Đau ngực, khó thở, tim đập nhanh.
- Chóng mặt.
- Mắt nhìn mờ.
- Mặt đỏ, buồn nôn, ói mửa.
- Tiểu máu.
- Mất ngủ.
4. BIẾN CHỨNG
Khi huyết áp vẫn cao theo thời gian, nó có thể gây hại cho cơ thể. Các biến chứng của cao huyết áp bao gồm:
Suy tim. Suy tim là một tình trạng mà trong đó tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Điều này làm cho trái tim to ra và trở nên yếu hơn;
Phình bóc tách động mạch. Một biến chứng nghiêm trọng có thể xảy ra bất cứ nơi nào trong cơ thể của bạn. Khi bị phình bóc tách động mạch, bạn có thể phải đối mặt với tình trạng chảy máu nội bộ và có thể đe dọa tính mạng;
Suy thận. Các mạch máu trong thận có thể trở nên hẹp lại và gây suy thận;
Nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Động mạch bị hẹp ở một số nơi trong cơ thể, từ đó dẫn đến việc hạn chế lưu lượng máu (đặc biệt là cho tim, não, thận và chân). Điều này có thể gây ra một cơn đau tim, đột quỵ, suy thận, hoặc người bệnh phải phẫu thuật cắt bỏ một phần chân;
Bệnh mắt: Các mạch máu trong mắt vỡ hoặc chảy máu. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi về thị lực hoặc thậm chí là mù lòa.
5.BỆNH CÓ NGUY HIỂM KO?
Đúng như tên gọi mà nhiều nhà khoa học đã đặt cho căn bệnh: Cao huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng”, những triệu chứng của bệnh đều không rõ ràng và hầu hết không xảy ra cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn rất nghiêm trọng. Lúc này, các biến chứng tim mạch có thể đột ngột xuất hiện và tước đi tính mạng bệnh nhân chỉ trong cái chớp mắt
6. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Sau đây là một số đối tượng phổ biến của bệnh cao huyết áp:
- Người lớn tuổi: Hệ thống thành mạch máu không còn duytrì được độ đàn hồi như trước, dẫn đến cao huyết áp;
- Giới tính: Tỷ lệ đàn ông dưới 45 tuổi mắc bệnh cao hơn so với phụ nữ, tuy nhiên phụ nữ sau mãn kinh lại có nhiều khả năng bị cao huyết áp hơn so với đàn ông cũng vào độ tuổi này;
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp thường cao hơn đối với các thành viên trong gia đình (cha mẹ hoặc anh chị) có tiền sử mắc bệnh tim mạch.
- Những yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, bao gồm:
- Thừa cân béo phì;
- Lối sống tĩnh tại, lười vận động;
- Ăn uống không lành mạnh;
- Ăn quá nhiều muối;
- Sử dụng lạm dụng rượu, bia;
- Hút thuốc lá;
- Căng thẳng thường xuyên
7. PHÒNG TRÁNH
1. Kiểm soát cân nặng:
- Luôn duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Những người béo phì thừa cân thường có nguy cơ mắc THA cao hơn những người có cân nặng bình thường.
- Những trường hợp dư cân và có vòng bụng quá to (với nam giới là trên 90cm), thì cần tập luyện và áp dụng chế độ giảm cân khoa học bằng cách hạn chế tinh bột, đường, dầu mỡ và tăng cường rau xanh, trái cây cũng như uống đủ nước mỗi ngày.
2.Chế độ ăn uống khoa học:
Trong chế độ ăn uống hằng ngày cần tích cực sử dụng thực phẩm hỗ trợ hiệu quả phòng ngừa THA như:
- Rau xanh và trái cây: Những loại trái câychứa nhiều vitamin E, C hoặc kali giúp phòng ngừa THA hiệu quả: cam, quýt, bưởi, táo, bơ, dâu, thanh long, chuối, dưa hấu, dứa.
- Cá: Để bổ sung đạm, tốt nhất bạn nên dùng cá thay thịt, đặc biệt là 2-3 lần ăn cá biển mỗi tuần vì cá chứa nhiều axit béo không bão hòa, giúp giảm cholesterol máu.
3. Luyện tập thường xuyên:
- Cần lên kế hoạch duy trì luyện tập từ 30 - 60 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Việc luyện tập còn giúp bạn tránh xa stress là một trong những nguyên nhân khiến huyết áp tăng cao.
- Các hình thức tập luyện tốt cho sức khoẻ có thể chọn là đi bộ, bơi lội, các môn thể thao tùy vào sức kkoer của tưng người.
4. Nếp sinh hoạt lành mạnh:
- Ăn đủ bữa, không ăn quá nhiều hay quá muộn.
- Không thức khuya, đảm bảo ngủ đủ giấc mỗi đêm.
- Duy trì lối sống lành mạnh, giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu hay căng thẳng thần kinh.
8. CHẨN ĐOÁN
Bác sĩ của bạn sẽ tham khảo các yếu tố nguy cơ của bạn, tiền sử gia đình, khám lâm sàng và huyết áp của bạn để chẩn đoán chính xác bệnh.
Bác sĩ hoặc y tá sẽ đo huyết áp của bạn bằng cách sử dụng máy đo huyết áp bao gồm một ống nghe (hoặc cảm biến điện tử) và băng quấn đo huyết áp.
Để chuẩn bị cho kiểm tra huyết áp, bạn nên:
Không uống cà phê hay hút thuốc lá trong 30 phút trước khi kiểm tra. Những việc này có thể gây ra tăng huyết áp trong ngắn hạn.
Đi vệ sinh trước khi kiểm tra huyết áp. Bàng quang đầy nước có thể thay đổi huyết áp của bạn.
Ngồi yên trong 5 phút trước khi kiểm tra. Sự di chuyển có thể gây tăng huyết áp trong ngắn hạn.
Nếu huyết áp của bạn là 140/90 mmHg hoặc cao hơn theo thời gian, bác sĩ sẽ chẩn đoán bạn bị cao huyết áp. Nếu bạn có bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính, huyết áp 130/80 mmHg hoặc cao hơn sẽ được chẩn đoán là bị cao huyết áp
Các xét nghiệm khác có thể bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Điện tâm đồ (ECG);
- Chụp X-quang ngực;
- Chụp cắt lớp điện toán (CT scan).
Các xét nghiệm này để loại trừ bất kỳ nguyên nhân khác có thể có của bệnh cao huyết áp. Nếu không có nguyên nhân khác, bạn sẽ được chẩn đoán mắc cao huyết áp nguyên phát.
9. ĐIỀU TRỊ
1. Thay đổi lối sống
Biện pháp không dùng thuốc bao giờ cũng chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng trong liệu trình điều trị chung. Theo lời khuyên của các bác sĩ, bệnh nhân có thể kiểm soát huyết áp bằng cách:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Lành mạnh hơn và dùng ít muối (dưới 6g/ngày);
- Tập thể dục đều đặn, vừa sức;
- Cố gắng duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân theo hướng dẫn;
- Ngừng hoặc hạn chế tối đa uống rượu, bỏ hút thuốc;
- Tránh nhiễm lạnh đột ngột;
- Kiểm soát tốt các bệnh liên quan;
- Sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp đúng theo hướng dẫn của bác sĩ;
- Thường xuyên theo dõi sự thay đổi của huyết áp ngay tại nhà với máy đo thích hợp.
2. Thuốc điều trị cao huyết áp
Nếu như thay đổi lối sống không đem lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng thuốc theo toa.
Mặc dù các phác đồ điều trị cao huyết áp đã được đưa ra và thử nghiệm rất nhiều lần. Tuy nhiên, trong suốt quá trình diễn tiến của bệnh, bác sĩ sẽ theo dõi và có thể thay đổi, tăng giảm liều, phối hợp thêm thuốc hoặc bỏ bớt thuốc cho đến khi xác định được phác đồ điều trị phù hợp nhất đối với bệnh nhân. Hãy lưu ý về tình hình sức khỏe trước và sau khi dùng thuốc để thông báo cho bác sĩ về các tác dụng không mong muốn trong khi dùng thuốc theo phác đồ. Dùng thuốc thường xuyên để bình ổn huyết áp. Điều trị tăng huyết áp là điều trị cả đời. Không tự ý ngừng điều trị, cần phải tham vấn bác sĩ chuyên khoa.
Bên cạnh đó, bệnh cao huyết áp còn có thể được kiểm soát tốt bằng các bài thuốc trị tăng huyết áp theo hướng dẫn của thầy thuốc đông y.
3. Điều trị cao huyết áp trong trường hợp khẩn cấp
Một số trường hợp cao huyết áp cấp cứu cần phải được chữa trị ngay lập tức tại phòng cấp cứu hoặc phòng chăm sóc đặc biệt, vì lúc này nguy cơ bệnh nhân tử vong là khá cao. Bệnh nhân có thể được thở oxy và dùng thuốc hạ huyết áp khẩn cấp để nhanh chóng cải thiện tình hình.
Hầu hết các bệnh tim mạch ở nước ta, đặc biệt là những bệnh lý mãn tính phổ biến như cao huyết áp, vấn đề tuân thủ điều trị luôn là điều khiến cho các bác sĩ đau đầu. Do việc điều trị thường phải phối hợp nhiều thuốc, dẫn đến việc bệnh nhân quên uống thuốc, hoặc có thuốc nhưng không uống, hoặc dùng thuốc không theo hướng dẫn của bác sĩ, hậu quả là hiệu quả điều trị tăng huyết áp không được cao. Chính vì vậy, bệnh nhân cần phải thật sự nghiêm túc trong việc chữa trị bệnh của chính bản thân mình, phối hợp tốt với bác sĩ để tối đa hóa hiệu quả điều trị.
10. CÂU HỎI HAY GẶP
1. Bệnh nên hạn chế ăn gì khi bị HAC?
- Muối: Việc giảm bớt thức ăn mặn có thể giúp giảm huyết áp. Qua đó không nên ăn thức ăn kho mặn, nước chấm mặn, các thực phẩm giàu natri như trứng vịt muối, thịt chà bông...
- Chất béo bão hòa: cần tránh ăn thức ăn xào, chiên, lòng đỏ trứng gà, da hoặc nội tặng động vật, nước xương hầm...
- Chất bột đường (glucid): Để giảm thiểu nguy cơ THA, cần ăn vừa đủ lượng, cơm, bún, phở, đồng thời tránh các thực phẩm, trái cây nhiều ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, mứt, xoài, nhãn, mít, vải, tươi...
- Thịt đỏ: Đạm từ thịt bò, cừu, dê, chó sẽ làm tăng cholesterol dẫn đến tăng huyết áp nên cần tránh sử dụng.
- Thức ăn chế biến sẵn: Hạn chế thịt xông khói, thịt muối, lạp xưởng, xúc xích vì đây đều là những thực phẩm chứa tỉ lệ muối và chất bảo quản cao.
- Các chất kích thích: Cà phê, bia rượu, trà, gia vị cay nóng sẽ làm hưng phấn thần kinh, gây mất ngủ, rối loạn nhịp tim, từ đó dẫn đến THA.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/cao-huyet-ap-trieu-chung-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri/