1. GIỚI THIỆU BỆNH
Khi hệ tiêu hóa gặp trục trặc, cơ thể sẽ không hấp thu đủ chất dinh dưỡng, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như mệt mỏi, hội chứng ruột kích thích, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy… Trong đó, đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu là những triệu chứng thường gặp ở đường tiêu hóa.
2. NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân tức thời gây đầy hơi khó tiêu, chướng bụng
- Ăn uống không đúng cách: Việc nuốt nhiều không khí do ăn không đúng cách khi ăn quá nhanh, uống thức uống có gas, sử dụng ống hút khi uống, nhai kẹo cao su, ăn kẹo cứng, mang răng giả nhưng không phù hợp, có thói quen hút thuốc, thường xuyên sử dụng chất kích thích như cafe, rượu, bia, ... có thể tạo ra nhiều hơi trong bụng và gây đầy hơi, chướng bụng. Ăn nhiều chất béo, gia vị; gây rối loạn vận động ống tiêu hóa. Ăn uống quá nhanh, nhai không kỹ, nuốt vội vàng. Loạn khuẩn trong đường tiêu hóa làm cho thức ăn không đủ men để chuyển hóa thức ăn gây ứ đọng, lên men và sinh hơi.
- Ăn nhiều thực phẩm tạo hơi: Một số thực phẩm rất tốt cho cơ thể và được sử dụng thường xuyên có thể gây đầy hơi khó tiêu như đậu, những sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, cải.
- Khó tiêu do cơ thể không dung nạp thực phẩm: Khó tiêu có thể là tình trạng cơ thể không dung nạp một chất nào đó trong thực phẩm như gluten, lactose, fructose. Không dung nạp gluten hay được biết đến là bệnh Celiac, đây là chứng rối loạn tự miễn dịch gây viêm ruột non để làm giảm hấp thu gluten từ thực phẩm. Không dung nạp lactose xảy ra khi sử dụng những sản phẩm từ sữa và gây đầy hơi khó tiêu. Không dung nạp fructose xảy ra khi ăn trái cây và một số loại rau.
- Vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức: Khi lượng axit trong dạ dày giảm hoặc cơ ruột non giảm co bóp sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn trong dạ dày, ruột non phát triển và dẫn đến tình trạng dư thừa vi khuẩn trong ruột non. Ngoài đầy bụng, khó tiêu, tình trạng này còn có thể gây khó chịu ở bụng, đau bụng, tiêu chảy và khiến cơ thể mệt mỏi.
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, không chỉ gây ợ chua mà còn có thể gây đau tức vùng bụng, ngực, đầy hơi khó tiêu, nghẹn thức ăn, hôi miệng và đau họng.
- Hội chứng ruột kích thích: Hội chứng ruột kích thích liên quan đến việc cơ thể nhạy cảm với dây thần kinh ở ruột, hay bị căng thẳng, stress, do di truyền hoặc là tình trạng thức ăn ở ruột già quá lâu hoặc quá ngắn. Hội chứng ruột kích thích làm ảnh hưởng đến ruột và quá trình tiêu hóa, có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng bao gồm với các triệu chứng đầy hơi khó tiêu, chướng bụng, đau quặn bụng (có thể giảm sau khi đại tiện), tiêu chảy, táo bón.
- Người bệnh đang bị chứng táo bón.
- Người thường xuyên bị căng thẳng hoặc mắc bệnh mãn tính.
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Đầy hơi khó tiêu gây khó chịu ở bụng, thậm chí có thể gây đau bụng. Tình trạng này có thể tự khỏi và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị đầy bụng, khó tiêu và kèm theo các triệu chứng dưới đây, người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp:
- Chán ăn, ăn không ngon miệng.
- Thói quen đại tiện thay đổi.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
- Bụng phình chướng
- Nuốt thức ăn hay bị nghẹn
- Nôn và buồn nôn
- Cảm giác khó chịu, đau, ợ hơi, trung tiện, sôi bụng
- Táo bón, rối loạn đại tiện, đi ngoài ra máu
4. PHÒNG NGỪA
Thay đổi lối sống, cách ăn uống, từ bỏ một số thói quen có hại khác, ... có thể giúp phòng ngừa chứng đầy hơi khó tiêu, cụ thể:
- Ăn uống đúng cách: Người bệnh cần tránh ăn quá nhiều trong một bữa, thay vào đó, có thể ăn thành nhiều bữa nhỏ. Chú ý ăn chậm, nhai kỹ để thức ăn dễ dàng được tiêu hóa khi đi xuống dạ dày. Bên cạnh đó, cũng cần hạn chế những thực phẩm gây đầy hơi, khó tiêu như các sản phẩm từ sữa, bơ, các loại đậu, ngũ cốc, thực phẩm giàu carbohydrate khó tiêu, nhiều chất xơ, thức uống có gas, thức ăn cay nóng, nhiều axit, ....
- Thay đổi thói quen: Hút thuốc lá là một trong những thói quen làm tích tụ và dư thừa không khí trong dạ dày gây đầy hơi khó tiêu, chướng bụng. Vì vậy, nên từ bỏ thói quen không tốt này để tránh bị đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, người bệnh cũng cần hạn chế những chất kích thích khác như rượu, bia, cafe, ... là những thức uống gây đầy hơi.
- Vận động nhẹ nhàng: Vận động nhẹ nhàng như đi bộ, tập yoga, ... giúp khí trong cơ thể di chuyển tốt hơn và dễ dàng thoát ra ngoài.
- Chườm nóng: Khi bị đầy bụng, làm giãn cơ bụng bằng cách tắm nước ấm có thể giúp hơi tích tụ trong dạ dày dễ thoát ra ngoài hơn.
- Để có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh, cần lựa chọn thực thẩm có tính kiềm, có khả năng trung hòa axit: thực phẩm từ tinh bột như bánh mì hay bột yến mạch, hay đạm dễ tiêu… vì các thực phẩm này giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của axit, hạn chế các nhịp cơ thắt thực quản có axit trào lên.
- Hạn chế thực phẩm kích thích tăng tiết axit hay kích thích cơ thắt dưới thực quản: hoa quả, hàm lượng axit cao (chanh, cam, dứa…), nước có ga, thức ăn cay, nóng, chocolate…
- Cần kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá. Không mặc quần áo quá chật, không ăn quá no, không ăn muộn vào buổi tối, không cúi quá lâu, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn. Ngủ nằm đầu cao 15 cm so với chân.
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
5. ĐIỀU TRỊ
Thuốc trị đầy hơi khó tiêu, chướng bụng
Khi bị đầy hơi chướng bụng, khó tiêu, một số loại thuốc sau có thể giúp làm giảm triệu chứng như:
- Thuốc có chứa Alpha-galactosidase: Một số thuốc có thành phần là Alpha-galactosidase như Beano, Digesta, Gas-Zyme 3X có tác dụng phân hủy đường tự nhiên có trong một số loại thực phẩm như ngũ cốc, các loại đậu và rau quả, thuốc được sử dụng trước khi ăn.
- Thuốc có chứa Simethicone: Một số thuốc có thành phần là Simethicone như Mylanta Gas, Gas-X có tác dụng giúp khi đi qua đường tiêu hóa nhanh hơn, từ đó, làm giảm triệu chứng đầy hơi khó tiêu, chướng bụng.
- Thuốc có chứa Lactase: Thuốc có thành phần là Lactase có tác dụng phân hủy đường lactose trong một số loại thực phẩm, được sử dụng đối với những người không dung nạp lactose. Lưu ý, trẻ em dưới 3 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không được dùng Lactase.
6. MẸO TRÁNH ĐẦY HƠI
Một số mẹo và cách chữa đầy hơi hiệu quả:
1. Uống đủ nước
Bạn nên cung cấp đủ nước cho cơ thể, nên uống ít nhất 8-10 ly mỗi ngày. Nếu nguyên nhân đầy bụng là do ruột bị kích thích thì bạn lưu ý không nên uống nước trái cây có chứa đường, vì sẽ làm cho tình trạng ruột bị kích thích trở nên tồi tệ hơn. Theo mẹo dân gian, bạn có thể uống nước chanh ấm hoặc uống nước hạt methi (hạt cỏ cà ri) cũng có thể hữu ích trong điều trị đầy hơi chướng bụng. Uống nước không chỉ là cách đề phòng mà còn là cách chữa đầy hơi rất hiệu quả.
2. Tập thể dục
Tăng cường vận động sẽ làm cho hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt và ngăn ngừa khí và đầy hơi. Tuy nhiên, bạn cũng nên lựa chọn hình thức tập thể dục phù hợp.
3. Hạn chế hoặc không ăn đường tinh luyện
Bạn nên loại bỏ các loại thực phẩm và đồ uống có chứa thành phần đường tinh luyện ra khỏi thực đơn và chế độ ăn của mình. Vì các loại thực phẩm có chứa đường tinh luyện sẽ chứa flactose sẽ làm tình trạng đầy bụng trở nên khó chịu hơn
4. Bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ sẽ giúp cho hệ tiêu hóa của bạn hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn. Ăn các món ăn giàu chất xơ không chỉ giúp đề phòng mà còn là cách chữa đầy hơi hiệu quả.
5. Không ăn các thực phẩm dễ gây sình hơi
Đó là những thực phẩm như đồ uống có ga, đậu, hành, bắp cải, và các món ăn chiên với dầu mỡ,…
6. Chia nhỏ bữa ăn
Thay vì ăn 3 bữa, bạn có thể thực hiện chế độ ăn 5-6 bữa/ngày. Điều này sẽ làm giảm tình trạng hệ tiêu hóa làm việc quá mức và ngăn chặn được tình trạng đầy hơi xuất hiện.
7. Ăn chậm và nhai kỹ
Ăn chậm và nhai kỹ là một cách chữa đầy hơi nhanh nhất có thể áp dụng nếu thấy triệu trứng đầy hơi. Ăn chậm và nhai thức ăn kỹ trước khi nuốt sẽ làm giảm tình trạng nuốt phải khí khi ăn và giúp hệ thống tiêu hóa không phải làm việc quá mức để tiêu hóa thức ăn và giảm bị khí ứ đọng.