1. PHÙ PHỔI LÀ GÌ?
Phù phổi cấp hay còn gọi là ngạt thở cấp, đây là dạng bệnh cấp tính, ứ quá nhiều dịch trong khoảng kẽ và trong lòng phế nang dẫn đến suy hô hấp.
Phù phổi là tình trạng có thừa dịch trong phổi. Dịch tập trung trong nhiều túi khí ở phổi (phế nang), làm người bệnh khó thở. Nguyên nhân thường gặp nhất của phù phổi là suy tim (trường hợp này gọi là phù phổi do tim). Tuy nhiên, phù phổi có thể do nhiều tình trạng khác gây nên mà không phải ảnh hưởng trực tiếp từ tim (phù phổi không do tim).
Trong hầu hết các trường hợp, các vấn đề về tim gây ra phù phổi. Tuy nhiên, dịch được tạo ra có thể vì những lý do khác như viêm phổi, tiếp xúc với độc tố, thuốc men, chấn thương đến thành ngực hoặc vận động ở cường độ cao.
Bệnh nhân cần nhanh chóng được đưa đi cấp cứu nếu bị phù phổi cấp tính. Phù phổi đôi khi có thể gây ra tử vong nhưng có thể hồi phục phổi nếu được điều trị nhanh chóng.
2. NGUYÊN NHÂN
Phù phổi thường do nguyên nhân suy tim. Khi tim không thể bơm máu hiệu quả đi khắp cơ thể, lượng máu mà tĩnh mạch mang đi qua phổi đến tim trái tăng lên. Khi áp lực trong các mạch máu này tăng, dịch được đẩy vào trong các túi khí (phế nang) trong phổi. Lượng dịch này làm giảm vận chuyển oxy đi qua phổi, gây ra khó thở.
Phù phổi có thể xảy ra do các nguyên nhân sau:
Tăng áp lực mạch máu trong phổi (tăng áp phổi). Tình trạng này thường xảy ra kèm với suy tim;
Tổn thương các mạch máu rất nhỏ (mao mạch) trong phổi, làm cho dịch dễ đi vào phổi hơn. Tình trạng này xảy ra kèm với tổn thương phổi, ví dụ hít khói thuốc hoặc viêm phổi.
Suy chức năng mạch bạch huyết (giúp loại bỏ dịch ra khỏi phổi).
Suy tim gây ra phù phổi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các nguyên nhân này bao gồm:
- Nhồi máu cơ tim;
- Bất cứ bệnh nào về tim gây yếu hoặc xơ cứng cơ tim, như bệnh cơ tim phì đại hoặc bệnh cơ tim giãn nở;
- Hẹp hoặc hở van tim (van hai lá hoặc van động mạch chủ);
- Nhịp tim bất thường;
- Tăng huyết áp nặng, đột ngột.
- Phù phổi cũng có thể do các tình trạng khác ngoài bệnh tim, bao gồm:
- Đến vùng núi cao;
- Hội chứng nguy ngập hô hấp cấp ở người lớn (ARDS);
- Tổn thương thận cấp hoặc bệnh thận mạn;
- Tổn thương phổi do khí độc hoặc nhiễm trùng nặng;
- Sau một chấn thương nặng.
Các triệu chứng của phù phổi có thể bao gồm ho ra máu hoặc đờm bọt hồng, khó thở khi nằm hoặc không thể nói câu hoàn chỉnh do khó thở. Đôi khi người bệnh cần phải nằm ngủ với gối kê cao ở đầu và nửa thân trên. Các triệu chứng khác bao gồm lo lắng hoặc vật vã, suy giảm ý thức, vã mồ hôi.
3. TRIỆU CHỨNG & DẤU HIỆU
Bệnh nhân phù phổi cấp thường có những triệu chứng khá rõ ràng. Cơn phù phổi cấp thường xuất hiện đột ngột, tiến triển nhanh và hay gặp vào ban đêm với các biểu hiện:
- Lo lắng ,hoảng hốt vã mồ hôi.
- Khó thở, thở nhanh (> 30 lần/phút) phải ngồi dậy để thở.
- Tím môi và đầu chi.
- Có thể khạc đờm bọt hồng.
- Nghe phổi có rales ẩm cả 2 phổi, bắt đầu từ đáy phổi dâng lên như nước triều dâng.
- Nhịp tim nhanh (100 - 140 lần/phút) có thể nghe thấy nhịp ngựa phi thất trái, tĩnh mạch cổ nổi.
- Huyết áp bình thường hoặc tăng.
- Phù phổi cấp kéo dài , muộn có thẻ có tụt huyết áp , rối loạn ý thức.
Ngoài triệu chứng hô hấp điển hình, bệnh nhân phù phổi cấp còn gặp phải những triệu chứng toàn thân khác như: Phù chân, báng bụng, mỏm tim bị lệch ra ngoài hoặc xuống dưới khoang liên sườn,.. Ngoài ra, tùy theo nguyên nhân gây phù phổi cấp mà bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng bệnh lý khác.
4. BIẾN CHỨNG
Nếu phù phổi không được điều trị, vẫn tiếp diễn có thể gây ra một số biến chứng phù phổi bao gồm:
- Tăng áp lực tim phải, thậm chí có thể dẫn tới suy tim phải;
- Phù chân;
- Ứ dịch ở bụng hay còn gọi là báng bụng;
- Gan to;
- Sung huyết.
5. BỆNH CÓ NGUY HIỂM KO?
Phù phổi cấp là một biến chứng cấp cứu nguy hiểm, cần chẩn đoán và cấp cứu kịp thời để cứu sống người bệnh. Phù phổi xảy ra khi dịch tích tụ làm mất khả năng trao đổi khí của phổi, vì thế nếu loại bỏ dịch trong phổi, bệnh sẽ thuyên giảm và chức năng phổi nhanh chóng phục hồi.
6. ĐỐI TƯỢNG NGUY CƠ BỆNH
Các yếu tố nguy cơ của suy tim bao gồm:
- Nhịp tim bất thường (loạn nhịp tim)
- Sử dụng rượu
- Bệnh tim bẩm sinh
- Bệnh động mạch vành
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh van tim
- Huyết áp cao
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
- Bên cạnh đó, những người từng bị bệnh về phổi như bệnh lao, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc có các rối loạn mạch máu, rối loạn máu cũng có nguy cơ bị phù phổi.
7. PHÒNG NGỪA
Bạn có thể ngăn ngừa bệnh phù phổi bằng những biện pháp sau:
Phòng ngừa bệnh tim mạch. Bệnh tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây phù phổi, bạn hãy chú ý đến các vấn đề về tim mạch.
Kiểm soát huyết áp. Huyết áp cao (tăng huyết áp) có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như đột quỵ, bệnh tim mạch và suy thận. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể hạ huyết áp bằng cách tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng hợp lý, chế độ ăn giàu trái cây tươi, rau và các sản phẩm sữa ít chất béo, hạn chế muối và rượu.
Theo dõi lượng cholesterol trong máu. Cholesterol là một trong nhiều loại chất béo cần thiết cho sức khỏe, nhưng quá nhiều cholesterol có thể gây ra các biến chứng khác. Nồng độ cholesterol cao hơn mức bình thường có thể gây ra các chất béo tích tụ trong các động mạch, cản trở lưu lượng máu và tăng nguy cơ mắc bệnh mạch máu. Bạn có thể thay đổi lối sống như hạn chế chất béo (đặc biệt là chất béo bão hòa), ăn nhiều chất xơ, cá và rau quả tươi, tập thể dục thường xuyên, ngừng hút thuốc và uống rượu trong chừng mực.
Đừng hút thuốc. Nếu bạn hút thuốc và không thể bỏ thuốc lá, hãy tham khảo với bác sĩ về các biện pháp để giúp bạn bỏ thói quen hút thuốc. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bạn cũng nên tránh hít khói thuốc thụ động.
Chế độ ăn uống lành mạnh cho tim. Bạn nên ăn một chế độ có ít muối, đường, chất béo bão hòa. Thay vào đó, bạn nên ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, rau củ và trái cây.
Quản lý căng thẳng. Để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim, bạn hãy cố gắng kiểm soát mức độ căng thẳng của mình.
8. CHẨN ĐOÁN
Chụp X-quang ở bệnh nhân phù phổi cấp sẽ thấy phù mô kẽ, phù phế nang, phù lan tỏa hình cánh bướm từ rốn phổi đến vùng ngoại biên. Chỉ số tim lồng ngực >50%.
Điện tâm đồ sẽ giúp kiểm tra các dấu hiệu bệnh tim liên quan đến phù phổi cấp như: thiếu máu tim cục bộ, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim.
Siêu âm tim. Đa phần bệnh nhân phù phổi cấp sau khi được cấp cứu và tình trạng sức khỏe tạm ổn sẽ chỉ định siêu âm tim để kiểm tra. Nhưng trong trường hợp có biến chứng nhồi máu cơ tim cấp như cột cơ van 2 lá, đứt dây chằng, thủng vách liên thất,…
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm và thăm dò khác:
- Các xét nghiệm đánh giá huyết động, áp lực mao mạch phổi tăng, áp lực tĩnh mạch trung tâm tăng.
- Để chẩn đoán phù phổi, bác sĩ sẽ thăm khám và sau đó có thể sẽ làm thêm một số xét nghiệm.
- Tần số và nhịp tim;
- Đo huyết áp;
- Dùng ống nghe để tìm âm thanh bệnh lý ở phổi, cho thấy có dịch bất thường;
- Nghe âm thổi ở tim, cho thấy van tim có vấn đề.
9. ĐIỀU TRỊ
Cấp cứu với bệnh nhân phù phổi cấp rất quan trọng, có thể giảm các biến chứng nặng khó phục hồi cho phổi, tim cũng như đảm bảo sức khỏe cho người bệnh. Đầu tiên cần xử lý nhanh nếu bệnh nhân có triệu chứng điển hình của phù phổi cấp, cần đặt họ vào tư thế Fowler (nửa nằm nửa ngồi).
Bệnh nhân sẽ được thở oxy liều cao, thở máy không xâm nhập, đặt nội khí quản, thở máy xâm nhập, dùng thuốc giãn phế quản nếu có biểu hiện co thắt phế quản; Giảm tiền gánh; Giảm hậu gánh; Hỗ trợ tim, và điều trị hồi sức tích cực nếu có.
Điều trị phù phổi cấp hiện nay chủ yếu được dùng thuốc Morfin sulfat. Liều sử dụng ban đầu thường là 8mg theo đường tĩnh mạch, với trường hợp nhẹ có thể tiêm dưới da. Sử dụng lặp lại thuốc này cho đến khi tình trạng bệnh ổn định. Thuốc có tác dụng giảm áp lực của nhĩ trái, tăng sức chứa tĩnh mạch nên sẽ giảm nhẹ được triệu chứng bệnh.Tuy nhiên, sử dụng Morphin điều trị có thể gây giảm động tác hô hấp nên chỉ định và theo dõi nghiêm ngặt. Bệnh nhân phù phổi cấp do thuốc mê không thể dùng thuốc Morphin điều trị, thay vào đó nên dùng thuốc đối kháng với thuốc gây mê. Ngoài ra, thuốc cũng chống chỉ định với bệnh nhân phù phổi cấp do nguyên nhân thần kinh.
Trong điều trị cấp cứu và theo dõi cho bệnh nhân phù phổi cấp, bác sĩ sẽ dựa trên dấu hiệu lâm sàng cũng như điện tâm đồ. Điều quan trọng là phải đảm bảo độ bão hòa oxy qua mạch cho bệnh nhân
10. CÂU HỎI HAY GẶP
Dinh dưỡng cho người bị phù phổi?
- Tránh vận động
- Tránh di chuyển bệnh nhân trong giai đoạn cấp.
- Để bệnh nhân nghỉ tuyệt đối trong giai đoạn cấp.
- Chế độ ăn uống: cho bệnh nhân uống sữa, nước hoa quả khi bệnh nhân qua cơn khó thở. Những giờ sau và những ngày sau cho ăn chế độ ăn lỏng hạn chế muối, ít mỡ, dễ tiêu, nhiều vitamin. Đảm bảo lượng nước tiểu > 1 lít /24 giờ, nếu không đủ phải cho thuốc lợi tiểu. Cần đánh giá sát bilan nước và điện giải ở bệnh nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
https://hellobacsi.com/ho-va-benh-duong-ho-hap/cac-van-de-ho-hap-khac/phu-phoi/